Lần đầu tiên bác sỹ Việt Nam thực hiện thành công ca ghép hai phổi
Từ tạng của một người trên 40 tuổi bị chết não, các bác sỹ đã thực hiện lấy và ghép tạng cứu sống 5 bệnh nhân đang nguy kịch khác.
Đây là một ca lấy đa tạng và ghép tạng vô cùng phức tạp, chưa từng có ở Việt Nam vừa được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện thành công.
Các bác sỹ thực hiện ca phẫu thuật ghép phổi. (Nguồn: Bệnh viện Việt Đức)
Chia sẻ với báo chí sáng nay 24.12, giáo sư-tiến sỹ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, người cho tạng là một bệnh nhân nam, ngoài 40 tuổi, ở Ninh Bình, có tiền sử khỏe mạnh. Bệnh nhân bị chết não do bị phình mạch não vỡ, được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng không có kết quả. Bệnh nhân tha thiết có nguyện vọng hiến tạng ngay từ khi còn khỏe nên khi bị chết não, gia đình bệnh nhân đã thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng.
Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã làm thủ tục điều phối bệnh nhân về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để hiến tạng.
Lần đầu tiên ở Việt Nam, các bác sỹ đã thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép, gồm tim, hai phổi, gan, và hai thận. Lần đầu tiên Bệnh viện Việt Đức tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho bốn bệnh nhân (gồm ghép tim, hai phổi, gan, một thận) và kết hợp điều phối xuyên Việt một thận cho bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, đây là ca ghép phổi thứ ba ở Việt Nam nhưng là lần đầu tiên một ca ghép hai phổi từ người cho chết não được thực hiện thành công kỹ thuật với kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc Việt Nam. Trước đó, có hai ca ghép phổi đã được thực hiện tại các bệnh viện quân đội 103 và 108 nhưng có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.
Theo phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, trong các ca ghép tạng thì ghép phổi là phức tạp nhất. Ca ghép phổi này càng đặc biệt vì bệnh nhân được ghép ở tình trạng rất nặng.
Đó là một bệnh nhân nam, 17 tuổi, được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng nằm trên giường thở ô xy liên tục, suy dinh dưỡng rất nặng.
Bệnh nhân được chuẩn đoán bị bệnh mô bào ở phổi, một dạng bệnh ung thư rất đặc biệt, không có giải pháp điều trị triệt để. Bệnh diễn biến nặng liên tục từ hơn 5 năm nay, điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, đã phải mổ phổi, truyền hóa chất nhiều đợt. Do điều trị lâu và thuốc nặng nên dẫn đến các bệnh lý khác như sỏi thận phải mổ, sỏi trong gan, suy chứ năng gan. Trên phim chụp cắt lớp ngực, gần toàn bộ tổ chức phổi của bệnh nhân đã bị tiêu hủy hết thành các nang-kén khí, không còn hoạt động chức năng. Tiên lượng bệnh nhân tử vong rất cao trong một vài tháng và giải pháp điều trị duy nhất trên thế giới là phẫu thuật ghép hai phổi.
Các bác sỹ đã phải thực hiện cắt và ghép từng phổi cho bệnh nhân với nhiều thủ thuật phức tạp và quá trình phẫu thuật lên đến 14 tiếng liên tục.
Trong 10 ngày qua, diễn biến hậu phẫu của bệnh nhân rất thuận lợi, các thông số chuyên môn liên quan đến phổi ghép đều tiến triển tốt, chứng tỏ ca ghép đã thành công về mặt kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Ước, toàn trạng bệnh nhân còn rất nặng và diễn biến hậu phẫu còn phức tạo do toàn trạng bệnh nhân quá suy kiệt và một số tổn thương phối hợp ở cơ quan khác.
Phẫu thuật ghép phổi là một kỹ thuật rất khó và phức tạp hơn nhiều so với các tạng khác. Tính đến ngày 21.12, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim nhưng mới chỉ có 3 ca ghép phổi.
Song song với ca ghép hai phổi, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện đồng thời ca ghép tim cho một bệnh nhân nam 60 tuổi, bị bệnh cơ tim giãn nở giai đoạn cuối; ghép gan cho bệnh nhân nữ, 63 tuổi, bị u gan; ghép thận cho một bệnh nhân nam, 41 tuổi, bị suy thận giai đoạn cuối. Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng thực hiện thành công ca ghép thận cho một bệnh nhi nam, 15 tuổi bị suy thận. Hiện các bệnh nhân đều có tiến triển tốt sau ghép.
Để thực hiện ca lấy và ghép đa tạng này, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phải huy động ê kíp trên 100 bác sỹ và 20 bác sỹ chuyên về phổi, thực hiện lấy tạng trong vòng 6 giờ đồng hồ. Song song với ca phẫu thuật lấy tạng là 5 phòng phẫu thuật ghép tạng hoạt động đồng thời để ghép cho các bệnh nhân và một ê kíp khác thực hiện chuyển tạng ghép xuyên Việt.
Với thành tích này, Bệnh viện Việt Đức cũng tự phá 'kỷ lục' lấy và ghép nhiều tạng nhất với 5 tạng cũng do chính bệnh viện này thực hiện tháng Hai vừa qua.
Đây là một thành tựu lớn của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng và y học Việt Nam nói chung, mở ra cơ hội được cứu sống cho các bệnh nhân khác./.
Theo THÙY GIANG (Vietnam+)