Công tác DS - KHHGÐ tỉnh: Hướng đến mục tiêu phát triển
Mấy năm gần đây, dù gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn sáp nhập Trung tâm DS - KHHGÐ tuyến cơ sở vào Trung tâm Y tế, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, công tác DS - KHHGÐ vẫn được triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh và đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Hiện nay, nhiều vợ chồng trẻ đã dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.
- Trong ảnh: Hội thi viết thư pháp ở Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, phụ huynh đều tranh thủ đưa con đi tham dự và ở lại theo dõi, động viên con.
Vượt qua khó khăn, ổn định dân số
Không chỉ gặp khó khăn về mặt tổ chức, ngay cả trong vấn đề kinh phí hoạt động phục vụ các mục tiêu công tác DS - KHHGĐ cũng vướng khá nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh, công tác phối hợp các ngành, đoàn thể, đơn vị có liên quan và hướng dẫn các địa phương để triển khai thực hiện công tác DS - KHHGĐ còn chậm trễ so với quyết định giao chỉ tiêu thực hiện do UBND tỉnh ban hành; cùng với đó, nguồn kinh phí Trung ương cấp liền 2 năm 2017 và 2018 phải thực hiện trong 2018, nhưng các mục chi lại không thể sử dụng được theo Thông tư 26 của Bộ Tài chính, đồng thời nguồn kinh phí địa phương bổ sung chưa kịp nên một số hoạt động về truyền thông, tập huấn cho tuyến dân số cơ sở và mô hình nâng cao chất lượng dân số chưa triển khai đúng kế hoạch. Đây là những khó khăn mà ngành DS - KHHGĐ tỉnh gặp phải.
Theo ông Bjorn Andersson, Giám đốc Quỹ Dân số LHQ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện nay hơn 140 triệu phụ nữ tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam vẫn chưa được đáp ứng nhu cầu về KHHGĐ. Dù vậy, tại Bình Định, kết quả của công tác DS - KHHGĐ năm 2018 vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, điển hình là tỉ suất sinh thô, tỉ lệ sinh con thứ 3, tỉ số giới tính khi sinh đều ở mức ổn định. Cụ thể, tỉ suất sinh thô năm 2018 đạt 10,82%, giảm 0,56% so với kế hoạch 2018, vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao (tỉnh giao: giảm 0,1%); tỉ lệ sinh con thứ 3 năm 2018 là 13,31% (giảm 0,36%, tỉnh giao giảm 0,2%); tỉ số giới tính khi sinh là 112,3 trẻ nam/100 trẻ nữ (năm 2017: 112,9 trẻ nam/100 trẻ nữ).
Đa mục tiêu, linh hoạt tác động
Tình hình DS - KHHGĐ ở các địa phương không giống nhau nên mỗi địa phương có cách triển khai công tác DS - KHHGĐ khác nhau về mục tiêu, do đó cách thức tác động cũng phải linh hoạt. Cụ thể: Các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát đẩy mạnh truyền thông cho các xã thuộc Đề án 52; huyện Tây Sơn, TX An Nhơn thực hiện truyền thông về Đề án Mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Hoài Ân duy trì tốt mô hình tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên - thanh niên ở các trường THPT; tại Vân Canh, An Lão, Hoài Ân chú trọng vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Do phải linh hoạt ứng biến với tình hình, vai trò của cán bộ dân số cơ sở càng thêm quan trọng khi liên tục nắm vững tình hình dân số tại địa phương. Bà Nguyễn Vũ Mai, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ TX An Nhơn, cho biết: “Hiện nay, việc sinh con thứ ba thường diễn ra ở gia đình sinh 2 con một bề hoặc gia đình có điều kiện kinh tế. Dù nguồn kinh phí cho công tác dân số bị cắt giảm dẫn đến đội ngũ cộng tác viên dân số cơ sở thưa đi, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng phối hợp với các ban, ngành để đẩy mạnh công tác tuyên truyền hạn chế sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính khi sinh”.
Ở các huyện miền núi, cán bộ DS - KHHGĐ phải thật sự là người gần gũi, hiểu rõ “bếp núc” của người dân trong khu vực. Chị Đinh Thị Quyết, cán bộ Trạm y tế xã Đak Mang (huyện Hoài Ân), cho biết: “Bên cạnh việc truyền thông trên đài truyền thanh xã, vào thời gian chị em không đi làm rẫy, chúng tôi đến tận nhà để nói chuyện về các biện pháp KHHGĐ để chị em hiểu và đến Trạm y tế thực hiện. Hiện nay việc không sinh con thứ 3, sử dụng các biện pháp KHHGĐ... ngày càng được đồng bào, nhất là những cặp vợ chồng trẻ hưởng ứng, làm theo”.
Nhờ làm tốt công tác dân số, nhận thức của người dân dần nâng cao. Là gia đình dừng lại ở 2 con, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (35 tuổi, huyện Tuy Phước) cho biết: “Cha mẹ, ông bà hai bên cùng khuyên vợ chồng tôi sinh thêm con cho đông vui, nhưng chúng tôi quyết định dừng lại ở 2 con để chăm sóc con tốt hơn”.
Nói về định hướng công tác DS - KHHGĐ thời gian tới, ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh, nhận định: Tình hình dân số tại Bình Định đã ổn định, tiếp theo sẽ là công tác phát triển chất lượng dân số. Chất lượng dân số tốt sẽ tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực khác của xã hội, điển hình như: kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, việc làm...
THẢO KHUY