Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Ðưa di sản đến với công chúng
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang tiến hành trưng bày các di sản văn hóa: bài chòi, tuồng, võ cổ truyền, nhằm giới thiệu những loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc của Bình Ðịnh đến với đông đảo người tham quan.
Sơ đồ trưng bày võ cổ truyền, bài chòi tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Trong kho tàng văn hóa dân tộc, Bình Định được vinh danh với tên gọi miền đất võ, cái nôi võ cổ truyền, nghệ thuật hát bội - bài chòi và nhiều lễ hội dân gian khác. Bên cạnh những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, truyền thống lịch sử, các loại hình nghệ thuật kể trên còn mang đậm tính nhân văn, giáo dục sâu sắc. Do vậy, võ cổ truyền, hát bội Bình Định đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Theo kế hoạch, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định trưng bày mảng Hát bội, Bài chòi và Võ cổ truyền tại phòng “Thiên nhiên - Đất nước và Con người Bình Định”. Để thực hiện, Bảo tàng đã bổ sung nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật có nội dung liên quan đến các chuyên đề và trưng bày từng hiện vật.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Vì diện tích phòng trưng bày của Bảo tàng hạn chế nên chúng tôi buộc phải sắp xếp lại. Dù là di sản phi vật thể nhưng chúng tôi cũng cố gắng trưng bày đảm bảo hài hòa cân đối, thiết kế phải thể hiện rõ nội dung, tạo điểm nhấn để người xem cảm thụ tài liệu, hiện vật. Các phương tiện trưng bày (tủ, bục, bệ, chú thích...) đảm bảo tính mỹ thuật, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho khách tham quan, đồng thời bảo quản an toàn cho hiện vật”.
Theo đó, Phần trưng bày võ cổ truyền Bình Định chia thành 3 mảng. Mảng 1: Trưng bày hiện vật thập bát ban binh khí võ Bình Định; Bằng chứng nhận võ cổ truyền là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ VH-TT&DL; một số loại binh khí; thế võ trong bài thiệu Hùng kê quyền (in decal trang trí phông nền đai tường). Mảng 2 gồm: Giới thiệu tóm tắt võ cổ truyền Bình Định; ảnh Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI, tổ chức tại TP Quy Nhơn, năm 2016; album 18 ảnh thể hiện thế võ nổi tiếng của những võ sư nổi tiếng như Hồ Sừng, Phan Thọ, Đào Thanh, Hồ Bé... Mảng 3: Trưng bày 6 ảnh biểu diễn tại một số võ đường nổi tiếng hiện nay.
Phần trưng bày Bài chòi chia thành 2 phần. Phần Hội đánh bài chòi dân gian ở Bình Định có 2 mảng. Mảng 1 gồm: Bảng giới thiệu tóm tắt về nghệ thuật bài chòi Bình Định; bộ thẻ bài chòi. Mảng 2 gồm: Bằng của UNESCO ghi danh Bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa đại diện nhân loại; ảnh bài chòi mùa xuân; các loại nhạc cụ có trong hội đánh bài chòi. Phần Sân khấu bài chòi gồm một số hình ảnh hoạt động bài chòi, một số hiện vật bài chòi của nghệ nhân Lê Thị Đào và Nguyễn Thị Đức (Minh Đức).
Phần hát bội (hát tuồng) Bình Định gồm: Bảng tóm tắt hát bội Bình Định; 31 mặt nạ tuồng; một số hiện vật là tác phẩm tuồng của Đào Tấn; tượng Đào Tấn; hình ảnh một cảnh trong vở tuồng cổ “Trảm trịnh Ân” do Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn; Bằng của Bộ VH-TT&DL chứng nhận Hát bội Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; ảnh diễn viên hóa trang mặt nạ tuồng; hình ảnh một cảnh trong vở “Cổ thành” của Đào Tấn do Đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên Sông Kôn biểu diễn.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng cho biết thêm, màu sắc sử dụng trong trưng bày là màu trung tính, có sự thống nhất về sắc độ, gam màu chủ đạo nhưng có sự thay đổi linh hoạt để phù hợp. Ánh sáng sử dụng cho từng diện tường trưng bày được kết hợp giữa ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Theo đó, Bảo tàng sử dụng ánh sáng khu vực, ánh sáng chiếu hiện vật, ánh sáng nghệ thuật tạo thẩm mỹ... làm tôn giá trị hiện vật. Dự kiến, việc bổ sung trưng bày sẽ hoàn thành và bắt đầu phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi - 2019.
THẢO KHUY