Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn:
Ứng dụng thành công phương pháp Ponseti điều trị khoèo chân
Ðiều trị bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti chính thức được triển khai tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn từ tháng 5.2013. Ðây là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao, ít tốn kém.
Bàn chân khoèo là một biến dạng bẩm sinh ở bàn chân. Khoảng 150-200 ngàn trẻ sơ sinh mỗi năm trên toàn thế giới có dị tật này. Bàn chân khoèo xảy ra do sự phát triển bất thường của các bắp cơ, gân, và xương bàn chân trong quá trình hình thành bào thai. Dị tật này thường gặp ở các bé trai với tỉ lệ gấp đôi các bé gái, 50% trường hợp xảy ra ở cả hai bàn chân.
Một ca bó bột điều trị khoèo chân tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn.
Thêm cơ hội cho trẻ bị khoèo chân
Gần 2 tháng nay, bé Huỳnh Lan Anh - con của anh Huỳnh Sỹ Phúc và chị Nguyễn Thị Ngọc Sanh, ở khu vực 8, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn- phải mang giày nẹp để điều trị chứng khoèo chân phải. Chị Sanh cho biết, suốt thời kỳ mang thai, các kết quả siêu âm đều không phát hiện được dị tật này ở bé. Sau khi sinh, chị về nhà mẹ đẻ ở khu vực 3, phường Nhơn Phú. 4 tháng sau đó, chị và con về nhà chồng, lúc này bà nội mới phát hiện bàn chân của bé bị khoèo.
“Lúc ẵm ngửa thì không sao, đến khi ẵm đứng lên, tôi thấy bàn chân phải của con bé không nằm ngang như chân trái. Tôi bảo các con tay khỏe, ẵm cháu đặt trên bàn bằng phẳng, thì ra chân phải của bé không xếp bằng trên bàn được. Lúc này cả nhà mới giật mình, đưa cháu xuống bệnh viện, bác sĩ nói bé bị khoèo chân, tốt nhất là bó bột điều trị ngay”, bà Lê Thị Yến, bà nội của Lan Anh, kể lại.
Sau 3 lần bó bột liên tiếp trong 3 tuần, bé Lan Anh được chuyển sang giai đoạn mang giày nẹp. Đôi giày đầu tiên hơi rộng, bé thấy thoải mái nhưng thỉnh thoảng lại rơi ra. Cách đây 20 ngày, bé được đổi giày vừa vặn với bàn chân. “Lúc tháo bột ra, thấy bàn chân phải của bé đã bắt đầu lấy lại thăng bằng, không còn nghiêng lệch, tôi mừng lắm!”, chị Sanh chia sẻ.
Theo các nhân viên y tế, Huỳnh Lan Anh là trường hợp điều trị chân khoèo khá suôn sẻ. Trong khi đó, bé Nguyễn Trần Thảo Vy (sinh ngày 27.5.2013, ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) phải bó bột đến 5 lần, và mới bắt đầu mang giày nẹp cách đây 2 tuần. Bà Văn Thị Thanh Phương - bà ngoại của Vy - cho biết: “Lúc mới sinh, bé Vy bị viêm phổi, phải nằm viện hơn 2 tháng. Do bị suy dinh dưỡng, nên đã gần 5 tháng tuổi mà con bé nặng chưa đầy 3kg. Giờ, giày cỡ nhỏ nhất vẫn rộng so với chân của bé”.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Từ đầu tháng 5.2013 đến nay, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn đã điều trị cho 15 trẻ bị dị tật khoèo chân bằng phương pháp Ponseti. Theo bác sĩ Phan Trần Đại Nhân, Trưởng khoa Khám, so với các phương pháp cũ đang ứng dụng thì Ponseti điều trị hiệu quả, được phổ biến trên thế giới và triển khai thành công ở nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam.
Hiện nay, trẻ bị chân khoèo được phát hiện và điều trị kịp thời vẫn còn rất ít. Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn đã và đang tăng cường công tác truyền thông, để giúp mọi người hiểu biết hơn về căn bệnh này và phương pháp điều trị Ponseti. Khi phát hiện con em mình bị khoèo chân, phụ huynh hãy liên hệ ngay đến khoa Khám, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn để được khám, tư vấn. Ngoài ra, mọi người có thể tìm hiểu thêm qua trang web banchankhoeo.com.
Theo phương pháp này, sau khi nắn chỉnh nhẹ nhàng, bàn chân bị khoèo được bó bột để duy trì kết quả nắn. Các bước nắn và bó bột này được lặp lại mỗi tuần, trong thời gian 3-8 tuần. Dần dần, bàn chân sẽ trở về hình dạng bình thường. Thông thường, cần một tiểu phẫu cắt gân gót để hoàn tất quá trình nắn sửa bàn chân rồi bó bột giữ trong 3 tuần. Sau khi tháo bột lần cuối, bé cần mang giày hở mũi, cao cổ và gắn trên một thanh nằm ngang cố định để ngăn ngừa tái phát. Bé cần mang giày nẹp này cả ngày lẫn đêm trong vòng 2-3 tháng đầu tiên và tiếp tục mang ban đêm trong 2-4 năm.
Theo điều dưỡng Nguyễn Ngọc Sơn (khoa Khám), chân bị khoèo càng được bó bột sớm thì khả năng thành công càng cao, chỉ cần 2-3 ngày sau sinh là có thể bó được. “Điều quan trọng trong điều trị là người nhà phải giữ vệ sinh cho chân của trẻ, nhất là giai đoạn bó bột. Đồng thời, liên lạc thường xuyên với nhân viên y tế để được hỗ trợ tư vấn kịp thời”, điều dưỡng Sơn cho biết.
Một ưu điểm lớn của phương pháp Ponseti là chi phí thấp, chỉ bằng 1/4 so với phương pháp phẫu thuật. Bàn chân khoèo ở bé được điều trị với phương pháp Ponseti nhìn không khác bàn chân của bé bình thường. Tỉ lệ thành công của phương pháp Ponseti có thể đạt đến 95% nếu các bé được điều trị sớm trong 2 năm đầu sau sinh và có tuân thủ mang giày nẹp đầy đủ.
NGUYỄN VĂN TRANG
Em bị yếu chân trái lúc mới đẻ ra, em muốn bình thường trở lại lắm, có ai giúp em không
Con tôi bị khoeo chan da dieu tri kip thoi va hien nay suc khoe chau da on dang trong qua trinh phat trien tot toi xin bo sung y kien den qui bao khong nhung Bv Qui Nhon ma co BV CHINH HINH TP.HCM - DUONG TRAN HUNG DAO do BS Huynh Manh Nhi chuyen khoa nhi va dieu tri chan khoeo dat ket qua huu hieu