Bệnh lao trẻ em - cần sự quan tâm của người lớn
Chỉ cần một mũi vắc-xin BCG là có thể phòng ngừa phần lớn bệnh lao cấp tính cho trẻ, là những thể bệnh nặng như lao kê, lao màng não… có thể dẫn đến tử vong. Ở trẻ em, bệnh lao chiếm 10-15% trong số những trường hợp bệnh lao mới mắc hằng năm.
Ở lứa tuổi càng nhỏ, khi đã bị nhiễm lao rất dễ chuyển sang giai đoạn mắc bệnh lao do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, chưa đủ sức chống lại vi khuẩn. Trong đa số các trường hợp, ở giai đoạn nhiễm lao thường không có triệu chứng gì. Một số trường hợp có biểu hiện của lao sơ nhiễm: trẻ sốt nhẹ, bỏ bú, kém ăn, gầy sút, ho húng hắng kéo dài; chụp X-quang phổi thấy có hạch rốn phổi, phản ứng tuberculin dương tính. Khi đã sang giai đoạn mắc bệnh lao, vi khuẩn lao có thể gây nhiều thể bệnh khác nhau tùy theo vị trí phát triển như lao phổi, lao kê, lao màng não, lao hạch...
Những thể bệnh này thường rất nặng, để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi thấy trẻ biếng ăn, chậm lớn, gầy sút, sốt âm ỉ, đổ mồ hôi trộm, sợ nước, ớn lạnh vào buổi chiều... cần phải nghĩ đến bệnh lao để đưa trẻ đi khám và điều trị. Thông thường, bệnh lao trẻ em được phân thành 4 loại cần phải điều trị là lao sơ nhiễm; lao cấp tính (có lao màng não và lao kê); lao hô hấp sau sơ nhiễm (lao phổi và lao màng phổi); lao ngoài phổi (có nhiều loại như lao hạch, lao xương khớp, lao cột sống, lao màng bụng...).
Việc chẩn đoán, tìm ra vi trùng lao ở trẻ khó hơn so với người lớn. Đối với lao sơ nhiễm, trẻ có những triệu chứng giống như bệnh cảnh viêm đường hô hấp. Ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, để chẩn đoán lao sơ nhiễm, trẻ em thường được chụp X-quang phổi, thử phản ứng Tuberculin, đôi khi phải cho tìm BK trong dịch dạ dày, quan trọng là hỏi xem có nguồn lây lao hay không để có hướng chẩn đoán. Việc điều trị lao ở trẻ em cũng giống như của người lớn, nhưng cha mẹ phải tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc về thời gian (6-9 tháng), liều lượng thuốc, phác đồ thì bệnh mới ổn định.
Để phòng bệnh cho trẻ, nếu trong nhà có người bị bệnh lao, cần phải cách ly trẻ với người bệnh, tốt nhất là không ở cùng nhà với người bệnh. Người mắc bệnh lao không ho, khạc đờm bừa bãi; tránh tiếp xúc, hôn hít trẻ nhỏ cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Nếu công việc đang làm đòi hỏi phải tiếp xúc với nhiều người khác như giáo viên, cô nuôi dạy trẻ... thì tạm chuyển sang công việc khác cho đến khi bệnh không còn khả năng lây lan.
BS ĐỖ PHÚC THANH
(Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh)