Cô - trò là yêu thương
Những vụ vi phạm đạo đức nhà giáo ở trường phổ thông nhiều tỉnh thành gần đây khiến Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tiểu học do các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức trong tháng 12.2018 đặc biệt chú trọng đến cách xử lý những tình huống sư phạm tương tự.
Sử dụng biện pháp giáo dục linh hoạt, sáng tạo, cô giáo Nguyễn Thị Vân Hạnh nhiều năm qua luôn được phụ huynh và học sinh tin yêu.
Những người làm công tác chủ nhiệm lâu năm đều thống nhất, học sinh cá biệt, có hoàn cảnh khó khăn luôn là những em nhạy cảm, thường thiếu thốn tình cảm, ít được quan tâm, chăm sóc và luôn đối diện có nguy cơ bỏ học. Bước đi đầu tiên và thường xuyên là “yêu thương đúng cách”.
5 năm đã qua nhưng thầy Nguyễn Công Hoàng (Trường Tiểu học Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) vẫn nhớ như in K.N - cô trò nhỏ học lớp 5 gầy gò, ít nói. N. không có cha, mẹ bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối, hai mẹ con sống phụ thuộc vào gia đình người cậu ruột. Biết N. bị bạn bè xa lánh vì… có chấy, thầy tìm mua dầu gội đặc chủng, tự tay mình gội đầu cho em… Trẻ con thường nhận ra rất nhanh, chính xác đâu là sự chân thành, bởi vậy N. luôn tin cậy ở thầy giáo của mình. Một hôm N. đón thầy ở cổng trường, thưa rằng em phải nghỉ học để chăm mẹ ốm nặng. Thầy Hoàng bèn đến tận nhà thuyết phục mẹ em và gia đình người cậu hãy để em tiếp tục đến trường. Sau ngày mẹ qua đời, tiên lượng trước tình huống này nên thầy Hoàng càng quan tâm em nhiều hơn, thường xuyên liên lạc với cậu mợ N. N. ổn dần trong yêu thương và ngay cả khi lên cấp 2, không chỉ thầy Hoàng mà vợ của thầy cũng thường xuyên thăm hỏi, quan tâm đến N.
“Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn luôn cần sự gần gũi, giúp đỡ, động viên của thầy cô. Có được “điểm tựa yêu thương” ấy, các em sẽ vững vàng trước nghịch cảnh cuộc đời mình và tạo ra sự tác động lan tỏa. Ví dụ ở trường hợp N., một số em khác cũng quan tâm tới bạn hơn, nhiều em tin cậy ở tôi hơn…” - thầy Hoàng tâm sự.
Khác với K.N,T.Q muốn gì được nấy, cha mẹ thương con nhưng bận kinh doanh nên gần như giao phó việc học của con cho nhà trường, Q. trở thành một học sinh cá biệt, bị lưu ban 1 năm. Nhận chủ nhiệm lớp này, cô giáo Nguyễn Thị Vân Hạnh (Trường Tiểu học Ngô Mây, TP Quy Nhơn) đánh giá Q. hội đủ điều kiện để trở thành học sinh ngoan, nên để ý động viên em. Không đặt nặng việc kiểm soát bằng cách phạt các lỗi, cô Hạnh tìm cách đánh thức tố chất tốt của Q. đồng thời đề nghị bố mẹ Q. quan tâm đến con nhiều hơn. “Thấm thoát mà 7 năm trôi qua, Q. giờ là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đấy”, cô Hạnh hạnh phúc kể về cậu học trò cá biệt của mình.
Giáo viên nào cũng biết quy tắc yêu thương nhưng không phải ai cũng có đủ kiên trì, khéo léo trong ứng xử để được các em tin cậy. Tình huống cô Nguyễn Thị Thùy Trang (Trường TH số 1 Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) phải đối diện thoạt nhìn đơn giản, dễ xử lý nhưng làm sao để đạt mục đích mà không làm học sinh của mình bị tổn thương lại khó.
Hôm ấy, T. học sinh lớp 3 thấy em học sinh lớp 1 đeo chiếc vòng tay bằng vàng rất đẹp nên mượn đeo thử, khi em học sinh lớp 1 đòi lại thì bảo là đã trả rồi. Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 “đấu tranh” với T. gần 40 phút vẫn không tháo gỡ được. T. khóc và ôm khư khư chiếc cặp của mình không cho ai đụng vào. Cô giáo Trang nhờ đồng nghiệp đưa em lớp 1 về lớp, đoạn rót nước cho T. uống, đợi em bình tĩnh lại mới hỏi: Nếu con bị mất chiếc vòng quý giá như vậy, con cảm thấy thế nào, còn ba mẹ con sẽ làm gì? Ngừng một lúc, cô Trang thủ thỉ, em nhỏ kia sẽ buồn lắm và ba mẹ em ấy sẽ truy tìm tới cùng, họ sẽ làm ầm lên… Nếu quả thật em lỡ thích quá thì cô sẽ giúp trả lại chiếc vòng êm xuôi. Nghe cô tâm tình, T. liền lấy chiếc vòng trong cặp ra đưa cho cô.
Đầu giờ chiều, cô Trang nói với lớp và đề nghị các giáo viên “hùa vào” rằng các cô đã tìm thấy chiếc vòng ở bãi cỏ. Kết thúc câu chuyện cô giáo Trang tâm sự, nếu giáo viên bình tĩnh, giải quyết mọi vấn đề bằng tình thương và tâm lý thì mọi lỗi lầm của học sinh sẽ được sửa chữa kịp thời.
Có vô vàn tình huống sư phạm giáo viên phải đối mặt hàng ngày, đòi hỏi các thầy cô phải thật khéo léo, mềm dẻo nhưng quyết đoán. Những cách ứng xử hay, đặc biệt qua các hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi rất cần được phổ biến, lan tỏa để mọi người nghiên cứu, học hỏi và linh hoạt vận dụng. Từ hội thi đến thực tế là một quãng đường dài với nhiều biến động muôn hình vạn trạng, nhưng điểm then chốt ở những giáo viên đạt giải cao là thông minh, khéo léo và luôn yêu thương học sinh - ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT nhận xét về Hội thi như một đúc kết.
NGỌC TÚ