An toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp: Vẫn chưa hết lo!
Tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra, nhất là ở bếp ăn tập thể của doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp. Làm thế nào để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm luôn là vấn đề đặt ra để hạn chế tối đa tình trạng này.
ATTP tại các BATT trong KCN cần được quan tâm, chú trọng.
- Trong ảnh: BATT của một công ty đóng tại KCN Phú Tài.
Còn nhiều nỗi lo
Toàn tỉnh hiện có 68 bếp ăn tập thể (BATT) của DN hoạt động trong khu công nghiệp (KCN), trong đó có 31 BATT có quy mô phục vụ trên 200 suất ăn do cấp tỉnh quản lý và 37 BATT có quy mô phục vụ dưới 200 suất ăn do cấp huyện quản lý. Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại các BATT được chú trọng hơn, song tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn thi thoảng xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu do DN chưa thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo đảm ATTP, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế.
Vụ việc 201 công nhân làm việc tại Công ty CP Đầu tư An Phát, đóng tại CCN Tam Quan, thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) bị ngộ độc sau khi ăn trưa tại nhà ăn của công ty vào ngày 16.11.2018, một lần nữa dấy lên mối lo ngại về ATTP tại các BATT. Đáng nói hơn, nguyên nhân dẫn tới vụ ngộ độc này đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kết luận là do sử dụng nguyên liệu không đảm bảo ATTP. Ngày 14.12.2018, Chi cục đã ban hành quyết định xử phạt 12 triệu đồng và yêu cầu công ty chấn chỉnh những tồn tại.
Được biết, từ ngày 16.3 - 29.3.2018, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tiến hành kiểm tra 27 BATT của các trường học, trong đó có 22 BATT có quy mô phục vụ từ 200 suất ăn trở lên và 5 BATT có quy mô phục vụ dưới 200 suất ăn. Từ ngày 12.6 - 29.6.2018, Chi cục tiếp tục tiến hành kiểm tra 24 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, BATT tại một số công ty, DN đóng tại các KCN, CCN trong tỉnh. Bà Phan Hoàng Ngọc, Trưởng phòng Công tác thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: Kết quả kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở đều có ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật về ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống loại hình BATT. Tuy nhiên, vẫn còn số ít cơ sở sử dụng bếp ăn không được thiết kế và tổ chức theo nguyên tắc một chiều; quá trình chế biến, vận chuyển chưa đảm bảo các điều kiện về ATTP, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ; trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đồng bộ...
“Một phần do chủ DN chưa thực sự quan tâm đến việc đảm bảo ATTP tại BATT. Có DN giao cho bộ phận nhân sự quản lý, nhưng bộ phận này lại ít khi kiểm tra hoặc nếu có cũng chỉ kiểm tra hình thức. Một số DN liên kết nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống nấu tại chỗ, nhưng lại chưa chủ động cùng nhà thầu khắc phục các điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo tại bếp của đơn vị mình”, bà Ngọc nhìn nhận.
Công nhân Công ty CP Đầu tư An Phát bị ngộ độc sau khi ăn trưa tại nhà ăn của công ty vào ngày 16.11.2018.
- Trong ảnh: Công nhân bị ngộ độc nằm điều trị tại BVĐK khu vực Bồng Sơn.
Tăng cường truyền thông, kiểm soát
Nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm tại BATT trong KCN, ông Lê Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, nhấn mạnh: “Thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, quy trình điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm cho chủ cơ sở, người chế biến, người quản lý BATT của các DN. Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, sẽ tăng cường xử phạt vi phạm tại các BATT nhằm tăng sức răn đe và nâng cao trách nhiệm của các DN có BATT. Tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức thực hành của người chế biến, người sử dụng trong phòng, chống các nguy cơ về lây nhiễm và ngộ độc thực phẩm. Chi cục cũng khuyến cáo các công ty, DN nên lựa chọn những đơn vị có uy tín để cung cấp thực phẩm cho bếp ăn của mình”.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cũng kiến nghị phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống loại hình BATT, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm; giám sát các cơ sở sai phạm và báo cáo Chi cục để phối hợp xử lý theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, để các cơ sở biết và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm.
TRỌNG LỢI