3R xử lý rác thải nông thôn
Dùng chế phẩm vi sinh AT-BiO ủ rác thải sinh hoạt hữu cơ và phân chuồng làm thành phân bón, xây bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, trang bị xe thu gom rác vô cơ… là những cách bảo vệ môi trường nông thôn, hiện được nhiều người áp dụng.
Dự án xử lý rác thải theo phương thức tổng hợp 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) đầu tiên được Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) triển khai tại 2 xã Nhơn Hạnh, Nhơn Mỹ (TX An Nhơn) từ tháng 9.2018 - 12.2018.
Người dân thôn Thái Thuận, xã Nhơn Hạnh ủ rác thải hữu cơ sinh hoạt thành phân bón.
Biến rác thải thành phân bón
Dự án tập trung hỗ trợ xử lý rác thải với 3 mô hình: rác thải hữu cơ xử lý bằng chế phẩm vi sinh, quy mô 50 hộ dân (25 hộ/xã); trang bị 10 xe đẩy tay và hỗ trợ chi phí thu gom rác thải vô cơ tận hộ gia đình; 10 bể thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật.
“Ðây là mô hình xử lý hiệu quả tổng hợp rác thải vùng nông thôn, nhưng để tiếp tục duy trì và nhân rộng cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Từ mô hình, Chi cục lên kế hoạch triển khai ở các địa phương khác”.
Bà HÀ THỊ THANH HƯƠNG, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường
Nuôi 300 con gà ngay trong vườn nhà, lượng phân gà thải ra mỗi ngày… rất khủng, bà Trần Thị Dần (thôn Nghĩa Hòa, xã Nhơn Mỹ) kể, lâu nay khổ nhất là chuyện xử lý phân và mùi hôi từ đó ra. Nhưng 4 tháng nay, tôi được dự án cấp 2 thùng phuy nhựa, hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh At-BiO, việc xử lý phân gà, mùi hôi trở nên đơn giản vô cùng. Bà vui vẻ nói: “Cứ hai ngày một lần tôi gom phân gà vào bể ủ, rắc chế phẩm vi sinh lên, chuồng nhốt gà cũng được phun chế phẩm, chi phí chừng 60.000 đồng/tháng. Không chỉ xử lý được mùi hôi, tôi còn lời mấy bận bán phân ủ từ phân gà cho rẫy cà phê ở Gia Lai”.
Tương tự, thay vì phải bỏ đi lượng lớn phân thải ra từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, người dân ở thôn Thái Xuân (xã Nhơn Hạnh) cũng bắt đầu ủ xử lý với chế phẩm vi sinh để làm phân bón cây trồng. Với rác sinh hoạt được thu gom và phân loại, rác hữu cơ cho vào hố để ủ phân. Bao bì, rác vô cơ gom lại chờ xe thu gom 2 lần/tuần.
“Quy trình phân loại, xử lý rác này rất đơn giản, sạch nhà, sạch cửa, đỡ hẳn tiền mua các loại phân bón lúa. Hết đợt dự án này, ở đây ai cũng tự mua chế phẩm vi sinh để xử lý rác, vì chính mỗi người chúng tôi phải tự có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của mình và của người dân xung quanh”, ông Nguyễn Ba (thôn Thái Thuận, xã Nhơn Hạnh) chia sẻ.
Duy trì và nhân rộng
Đánh giá từ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, qua 3 tháng triển khai tại 2 địa phương đã giảm thiểu được lượng rác thải sinh hoạt hữu cơ ra môi trường trên 3.200 kg rác, tổng lượng phân hữu cơ tạo ra từ rác thải sinh hoạt hữu cơ và chất thải chăn nuôi của 50 hộ tham gia mô hình gần 18 tấn phân. Trong khi đó, với xe đẩy thu gom rác tận hộ gia đình, người dân đã có ý thức, thực hiện thu gom rác bằng xe đẩy tay đến điểm tập kết và tham gia đóng phí thu gom rác.
“Không để mô hình kết thúc ngay khi dự án kết thúc, một mặt, xã tự tìm kinh phí, tổ chức họp dân và vận động bà con cùng đóng góp chi phí thu gom rác; đồng thời, đề nghị thị xã hỗ trợ thêm để nhân rộng mô hình”, ông Phan Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hạnh cho hay.
Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn Lê Minh Toán khẳng định, “bài toán” xử lý rác thải ở nông thôn đang là vấn đề nhức nhối ở địa phương. Ngay tại 5 phường nội thị, tỉ lệ thu gom rác thải mới chỉ đạt 58%, còn 10 xã nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới cũng chỉ 37%. Địa phương sẽ có kế hoạch bố trí kinh phí từ nguồn vốn hoạt động môi trường, kinh phí sự nghiệp KH&CN để duy trì và nhân rộng mô hình. Quan trọng nữa là công tác tuyên truyền đẩy mạnh thông qua các chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể để người dân tự giác thực hiện.
MAI HOÀNG