Công tác giải quyết, xét xử của TAND 2 cấp: Chú trọng nâng cao chất lượng
Thời gian qua, TAND 2 cấp trong tỉnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu lực, hiệu quả công tác xét xử; góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị.
Sẽ phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp để thẩm phán, thư ký phiên tòa nâng cao tinh thần trách nhiệm và kỹ năng trong công tác xét xử.
- Trong ảnh: Quang cảnh một phiên tòa có đầy đủ đại diện các cơ quan tham gia tố tụng.
Tăng cường phối hợp, xét xử nghiêm minh
Một trong những kết quả nổi bật trong hoạt động xét xử của ngành TAND năm 2018 là chất lượng giải quyết, xét xử các loại án ngày càng nâng cao. Trong năm, toàn ngành đã giải quyết, xét xử 6.003 vụ án các loại, đạt 90%; so với cùng kỳ giải quyết tăng 546 vụ án, thụ lý tăng trên 600 vụ. Điều đáng ghi nhận là số bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan chỉ chiếm 0,3% (tỉ lệ án hủy giảm 0,4%).
Đạt được kết quả này, là do TAND 2 cấp đã tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp mang tính đột phá. Trọng tâm là, trong quá trình xét xử, TAND 2 cấp chú trọng và đề cao việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc tranh tụng tại tòa được chú trọng, tôn trọng và đảm bảo các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày ý kiến của mình; việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo tiếp tục được hội đồng xét xử (HĐXX) cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng. Trong quá trình giải quyết án, ngành chủ động phối hợp với các cơ quan tố tụng để cùng thảo luận, xem xét đặc biệt là với các vụ án lớn, nhằm bảo đảm giải quyết tốt vụ án, tránh tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Do vậy, hình phạt mà TAND 2 cấp tuyên đối với các bị cáo về cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định; tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo; đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Đối với việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, lao động, về cơ bản, TAND 2 cấp đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng. Trong năm, tòa đã hòa giải 2.262 vụ, chiếm tỉ lệ 46,3%; qua đó góp phần nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Trà, Phó Chánh án TAND tỉnh, cho biết: “Để có được kết quả trên là do TAND 2 cấp đã tăng cường công tác phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan tố tụng ngay từ đầu cũng như tại các phiên tòa; chất lượng tranh tụng tại tòa được nâng cao. Đây là tiền đề và cũng là giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng bản án, đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động xét xử”.
Nâng cao trách nhiệm, kỹ năng
Tuy nhiên, Phó Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thanh Trà cũng thẳng thắn nhìn nhận: Trong công tác xét xử các loại án, vẫn còn trường hợp đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vai trò của bị cáo chưa tương xứng; một số vụ án còn có mâu thuẫn trong các tài liệu, chứng cứ và chưa được làm rõ. Đối với công tác giải quyết các vụ án dân sự, một số trường hợp xác định thiếu người tham gia tố tụng; đánh giá chứng cứ còn thiếu khách quan dẫn đến tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán vẫn còn.
Do đó, để nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, ngành sẽ tiếp tục cải tiến phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng phân công, phân cấp hợp lý, đảm bảo rành mạch giữa quản lý, điều hành hoạt động nội bộ của các tòa án với hoạt động tố tụng; tăng cường vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác xét xử, hoạt động công vụ. Đặc biệt, ngành sẽ quan tâm làm tốt hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, để nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức trong ngành; chú trọng tổng kết thực tiễn và rút kinh nghiệm công tác xét xử, nhằm phát hiện sai sót để khắc phục kịp thời; tập trung tập huấn các văn bản pháp luật mới, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng xét xử cho thẩm phán và hội thẩm. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, không đúng quy định của pháp luật và khắc phục triệt để tình trạng xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
“Chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, giám sát của HĐND cùng cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tòa án 2 cấp khi thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhất là chú trọng việc rút kinh nghiệm và phối hợp với Viện KSND cùng cấp tổ chức tốt việc thực hiện tranh tụng tại các phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật; gắn quyền hạn với trách nhiệm và quy định trách nhiệm cụ thể đối với người lãnh đạo quản lý ở các đơn vị để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức; cùng phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp để thẩm phán, thư ký phiên tòa nâng cao tinh thần trách nhiệm và kỹ năng trong công tác xét xử”, ông Trà cho biết thêm.
KIỀU ANH