Thương mại điện tử: Không phải có website là xong
Hàng năm, sau cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp tỉnh, Chương trình khuyến công Trung ương và địa phương sẽ hỗ trợ máy móc, thiết bị, xây dựng website… giúp các đơn vị có sản phẩm được công nhận phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Điểm đáng tiếc, thậm chí lãng phí là hiện website của nhiều cơ sở, DN sau khi trực tuyến, đã không phát huy hiệu quả, gần như không giới thiệu, quảng bá được sản phẩm, dịch vụ…
Trước tiên phải khẳng định rằng, định hướng của chính sách hỗ trợ là đúng. Việc hỗ trợ các cơ sở, DN sản xuất tăng kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm là cần thiết. Thế nhưng, nếu chỉ đơn thuần xây dựng xong website, cập nhật vài thông tin về cơ sở, về sản phẩm… rồi để đó, thậm chí, nhiều cơ sở, DN sau khi nhận “hỗ trợ” không buồn vận hành website, thì câu hỏi đặt ra là “hỗ trợ làm gì và nhận để làm gì?”. Có lẽ cả hai bên nên xem xét lại triển khai các chính sách tốt đẹp của Nhà nước, tránh lãng phí tiền của ngân sách.
Vậy xây dựng website cho DN sản xuất có sản phẩm CNNTTB như thế nào để quảng bá, giới thiệu được sản phẩm, phục vụ việc kinh doanh mà không gây lãng phí? Chắc chắn không quá khó để tìm ra chuyên gia tư vấn nhưng trước tiên, có lẽ cả bên hỗ trợ và bên nhận hỗ trợ nên hiểu rằng, website đó phải tích hợp đầy đủ thông tin về sản phẩm, nơi sản xuất, hướng dẫn đặt hàng, các kênh thanh toán, các phương thức vận chuyển, giao nhận hàng hóa, các điều kiện bảo hành, đổi trả, khiếu nại… Đó là những yêu cầu tối thiểu mà bất cứ website thương mại điện tử nào cũng phải có. Đó chỉ là những yêu cầu rất cơ bản, một số website chuyên nghiệp hơn còn tích hợp một số kênh tư vấn, giải đáp thắc mắc, nhân viên ảo thường trực để nhận thông tin từ khách hàng, đối tác thương mại… Một điểm nữa, có vẻ như bên hỗ trợ hoặc là ngại tư vấn hoặc là cho rằng bên nhận hỗ trợ đương nhiên biết chuyện, nên không lưu ý một vấn đề quan trọng - website phải được cập nhật thường xuyên, phải chịu khó tương tác với khách; nói chung nó phải sống, phải vận động. Website cho DN, cơ sở sản xuất sản phẩm CNNTTB không thể là một cái bảng quảng cáo cố định, xơ cứng cắm lên không gian internet. Nếu như vậy chẳng những đã không thực hiện được mục tiêu mà còn tạo ra “ép phê nghịch”, khiến người truy cập vào website hoài nghi như mức độ “tiêu biểu” của sản phẩm, mức khả tín của nhà sản xuất.
Thiết nghĩ, khi thực hiện xây dựng website cho các cơ sở, DN, bên cạnh đơn vị chủ trì thực hiện, các DN, cơ sở được nhận hỗ trợ cũng phải linh hoạt trong việc đề xuất xây dựng website sao cho phù hợp nhu cầu, năng lực quản lý và vận hành. Có như vậy mới phát huy được hiệu quả của nguồn vốn hỗ trợ, tăng sức lan tỏa cho sản phẩm khi tham gia thương mại điện tử và tránh lãng phí ngân sách. Nếu chưa thực sự sẵn sàng, hãy đầu tư cho nội dung khác, thay vì xây dựng website theo kiểu lãng phí như một số đơn vị đang làm! Cũng xin nói thêm rằng, website không phải là con đường duy nhất để thực hiện thương mại điện tử, còn có nhiều cách khác gia nhập không gian này, phù hợp với các cơ sở còn hạn chế về năng lực, đầu tư trong khi hiệu quả kinh tế thậm chí hoàn toàn không kém, lại dễ vận hành hơn, đó chính là mua gian hàng các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram…
QUANG BẢO