Hội nghị Trung ương 9: Những bước đi cẩn trọng của Đảng
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Tôi thấy rất ấn tượng trước sự cẩn trọng của Đảng ta trong việc tiến hành Hội nghị Trung ương 9.
Hội nghị Trung ương 9 khóa XII chiều 26.12 đã bế mạc sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm. Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, dù không nhiều nhưng là những vấn đề rất hệ trọng. Nêu quan điểm về ý nghĩa của Hội nghị Trung ương 9 lần này, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, người sáng lập InvestConsult Group, nói rằng, ông cảm phục những bước đi thận trọng của Hội nghị Trung 9.
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt (Ảnh: Bình Tạ)
PV: Hội nghị Trung ương 9 vừa bế mạc với một số kết quả quan trọng, ông có thể đưa ra một vài nhận xét về Hội nghị này?
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Tôi thấy rất ấn tượng trước sự cẩn trọng của Đảng ta trong việc tiến hành Hội nghị Trung ương 9. Như phát biểu của Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nhị Lê, đây là một bước đi sớm so với các nhiệm kỳ trước. Điều ấy chứng tỏ Đảng ta đã nhận ra khâu quyết định thành công của các Đại hội nằm ở việc chuẩn bị cho các cơ cấu tổ chức của Đảng, trong đó quan trọng nhất là Ban Chấp hành Trung ương. Với tư cách là người hưởng ứng các hoạt động có chất lượng lãnh đạo của Đảng, tôi thấy rất ngạc nhiên, thích thú và cảm phục sự thận trọng này.
PV: Sự thận trọng này như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị, đó là việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 chưa phải là "làm nhân sự" cụ thể cho nhiệm kỳ tới, mới là bước chuẩn bị quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ XIII của Đảng, phải không thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Thực tế chính trị của thời kỳ mở cửa đã làm Đảng ta bị “phơi nhiễm” nhiều căn bệnh chính trị. Hai Nghị quyết TƯ 4 của hai nhiệm kỳ XI và XII đã nói rõ là một bộ phận không nhỏ Đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống. Sự suy thoái về chính trị và kinh tế trong 30 năm đổi mới ở một bộ phận Đảng viên đã để lại cho những người lãnh đạo Đảng một bài học là nếu không chuẩn bị tốt, rất có thể dẫn đến những rủi ro cho các kỳ Đại hội. Tôi đã từng rất hồi hộp trước diễn biến của Đại hội XII, tuy nhiên tôi vẫn kiên định với những dự báo tích cực của mình về Đại hội XIII.
Đảng ta đã học được nhiều kinh nghiệm của thời kỳ mở cửa, đặc biệt là những kinh nghiệm của Đại hội XII để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới. Tôi thấy câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rằng ở Hội nghị Trung ương 9 này, chúng ta phải lựa chọn thận trọng, lựa chọn từng bước một những người đại diện xứng đáng cho Đảng để Đảng tiếp tục cầm quyền lãnh đạo một cách vững chắc là rất đích đáng. Đây là quá trình Đảng ta đang loại bỏ những yếu tố tiêu cực do các tập đoàn lợi ích cài cắm lại trong hệ thống.
PV: Một nội dung quan trọng nữa của Hội nghị Trung ương là lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Ông nhận xét gì về việc làm này?
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Đảng ta không lấy phiếu tín nhiệm để tự biểu dương mình trước nhân dân, không tìm kiếm sự tán thưởng của nhân dân. Đây là sinh hoạt nội bộ để biết rõ chất lượng chính trị của các thành viên.
Không phải tất cả những người có phiếu tín nhiệm cao đều thỏa mãn các đòi hỏi chính trị của tình thế. Sự tín nhiệm cao đôi khi còn thể hiện cả nhược điểm nhận thức của những người bỏ phiếu. Cho nên bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ đánh giá người được bỏ phiếu mà đánh giá cả người bỏ phiếu, tức là đánh giá chất lượng tổng thể của Ban Chấp hành Trung ương, một tổ chức quan trọng của Đảng. Chỉ có những người có trách nhiệm mới nhận ra điều ấy.
Tôi không thích nếu có những trường hợp công bố sự được tín nhiệm cao của mình như là một thành công chính trị. Và tôi cũng không tin những nhà lãnh đạo đạt phiếu tín nhiệm cao vui mừng vì điều ấy, khi trong Đảng còn có những vấn đề như vấn đề của Đảng bộ TPHCM. Đấy là nỗi đau khủng khiếp. Không sự tín nhiệm nào bù đắp nổi nỗi đau của một người lãnh đạo có trách nhiệm trước sự tan rã từng mảng của các cơ cấu trong một Đảng bộ quan trọng như vậy.
Cần hiểu rằng, bỏ phiếu tín nhiệm là kiểm định lại chất lượng chính trị của từng cương vị, từng tổ chức chứ không phải để một vài cá nhân hí hửng rằng mình thành công. Đấy có thể là thành công của một vài cá nhân, nhưng không phải là thành công của Đảng. Tôi hoan nghênh sự kín đáo, xem bỏ phiếu tín nhiệm như một hoạt động nhằm tham khảo chất lượng các cơ cấu của Đảng.
PV: Hội nghị lần này đã quyết định kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương và các chức vụ khác tại Thành ủy TP HCM. Điều này lại một lần nữa khẳng định Đảng ta không có "vùng cấm" trong xử lý vi phạm, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Đảng bộ TPHCM là một Đảng bộ quan trọng của Đảng ta. Trong chiến tranh đây là đảng bộ tiền phương, vậy mà bây giờ lại xảy ra việc một loạt quan chức bị khởi tố. Đó không chỉ là nỗi đau của Đảng bộ ấy mà là của toàn Đảng. Việc cách chức Ủy viên Trung ương của ông Tất Thành Cang lại càng khẳng định rằng, những “phẩm chất” như vậy không thể tồn tại trong Ban Chấp hành Trung ương và các Đảng bộ của những thành phố quan trọng như TP HCM.
Theo tôi, Đảng bộ TP HCM cần phải rút kinh nghiệm, cần phải biết đau trước những tiêu cực, sai phạm đã xảy ra, thậm chí cần phải tổ chức những cuộc sinh hoạt chính trị của toàn Đảng bộ để cùng chịu cảm giác đau đớn trước những tiêu cực, sai phạm đã xảy ra.
Với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi chờ đợi sự nhìn nhận nghiêm túc trách nhiệm của Đảng bộ TP HCM để nhân dân trong chừng mực nào đó yêu lại và có thể tha thứ. Phản xạ tha thứ của nhân dân là thứ phản xạ vô cùng quan trọng đối với một tổ chức chính trị.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo Hà Thanh (VOV)