Giáo dục Việt Nam nhiều bất cập, hạn chế không phải do thiếu triết lý giáo dục
Bộ GD-ĐT khẳng định, triết lý giáo dục (TLGD) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc “Học để biết – Học để làm – Học để chung sống – Học để tự khẳng định mình” phù hợp với những tư tưởng chỉ đạo giáo dục Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập nước đến nay...
Bộ GD-ĐT khẳng định, bộ đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình GDPT, gồm: Chương trình tổng thể (bộ khung của Chương trình GDPT) và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Chiều nay 27.12, Bộ GD-ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.
Trên cơ sở xác định đúng những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học, Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, bộ đã lựa chọn những nội dung giáo dục thiết thực, đồng thời hướng dẫn giáo viên thực hiện phương pháp tổ chức hoạt động để học sinh tự mình khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức vào đời sống.
Trong thời gian chưa thực hiện chương trình, SGK mới trên phạm vi toàn quốc, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các cơ sở GDPT thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình GDPT hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện Chương trình sách giáo khoa mới.
Đáng chú ý, lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã có lý giải sâu về vấn đề triết lý giáo dục (TLGD). Bộ cho rằng, TLGD là tư tưởng định hướng cho việc phát triển giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của người học, cộng đồng và xã hội trong bối cảnh lịch sử nhất định.
GS Phạm Minh Hạc quan niệm, TLGD là cơ sở triết học của một nền giáo dục của một nước. Cụ thể, đó là quan điểm về vai trò, vị trí của giáo dục, đường lối, phương hướng phát triển, mục tiêu, nguyên lý giáo dục; là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phát triển giáo dục.
TLGD tác động mạnh đến việc xác định mục tiêu, hệ thống, nội dung, phương pháp giáo dục và cách thức đánh giá kết quả giáo dục.
Trong hơn 70 năm qua, tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được quán triệt trong mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và cách thức tổ chức dạy học và đó là nhân tố quyết định thành tựu của nền giáo dục cách mạng.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nền giáo dục Việt Nam cũng còn nhiều bất cập, hạn chế. Nguyên nhân không phải do thiếu TLGD mà do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế - xã hội; công tác quản lý của ngành, quản trị của các trường chưa tốt; sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc giáo dục, chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên chưa được chú trọng đúng mức; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho hoạt động giáo dục còn hạn chế; một bộ phận đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu; chương trình giáo dục còn nặng lý thuyết..
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ GD-ĐT cho biết bộ đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, GD-ĐT theo Nghị quyết số 29.
Chương trình GDPT mới là một trong những kết quả đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết số 88 của Quốc hội và tuyên bố của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc: “Học để biết – Học để làm – Học để chung sống – Học để tự khẳng định mình”, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam toàn diện về Đức – Trí – Thể - Mỹ, hướng tới “công dân toàn cầu”.
Bộ GD-ĐT khẳng định, TLGD “Học để biết – Học để làm – Học để chung sống – Học để tự khẳng định mình” phù hợp với những tư tưởng chỉ đạo giáo dục Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập nước đến nay.
Trong Chương trình GDPT mới, “Học để biết” không chỉ có nghĩa là biết kiến thức mà còn bao hàm nghĩa “biết cách học để tự học suốt đời”. Chương trình GDPT mới thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 29, Nghị quyết 88, “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Nếu như chương trình hiện hành cũng như các chương trình nặng về trang bị kiến thức trước đây trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh biết được những gì?” thì Chương trình GDPT mới cho trả lời câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”. Đó là sự thể hiện triết lý “Học để làm” của UNESCO hay tư tưởng “Thực học, thực nghiệp” của Nghị quyết 29.
Một triết lý khác của UNESCO cũng được thể hiện rõ trong Chương trình GDPT mới là “Học để tự khẳng định mình” hay nói cách khác là học để trở thành chính mình. Chương trình GDPT mới không chủ trương “giáo dục đồng phục” mà tạo môi trường học tập thân thiện, cho học sinh được chọn những nội dung học tập mà các em yêu thích, qua đó tự phát hiện năng lực của mình để rèn luyện và trưởng thành. Nguồn nhân lực có đa dạng thì xã hội mới phát triển. Điều này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng “Dân chủ” của Nghị quyết 29.
Chương trình GDPT mới cũng thể hiện triết lý “học để cùng chung sống” của UNESCO. Càng ngày nhân loại càng đề cao giá trị “tôn trọng”. Nhà trường phải dạy cho học sinh cách tôn trọng sự khác biệt của nhau, miễn là sự khác biệt đó không vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật. Nói rộng ra, mỗi công dân trong thời đại toàn cầu hóa cần biết tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người, giữa các nền văn hóa, để chung sống, hợp tác, phấn đấu vì sự tiến bộ của nhân loại.
Theo PHAN THẢO (SGGPO)