Mỗi năm trên thế giới có 1,1 triệu trẻ em tử vong do tiêu chảy
Theo thống kê mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường kém và do thiếu nguồn nước sạch.
Học sinh tham quan tranh về chủ đề nước sạch. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Ước tính, mỗi năm trên thế giới có 1,1 triệu trẻ em tử vong do tiêu chảy và 1,2 triệu trẻ em mất đi sự sống do các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Nếu không được phòng bệnh kịp thời, mỗi ngày có hàng nghìn trẻ em bị tử vong do tiêu chảy. Việt Nam cũng là một trong nhiều nước đang phát triển chịu tổn thất lớn do bệnh tiêu chảy gây ra. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong những bệnh được công bố ở Việt Nam, bệnh tiêu chảy là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Mỗi năm có khoảng 1.100 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy. Thực tế cho thấy, vệ sinh kém, tiêu chảy và bệnh giun sán là các nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và khả năng học tập của trẻ em. Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc tiêu chảy kéo dài cao hơn trẻ lớn. Nguy cơ tiêu chảy cấp chuyển sang tiêu chảy kéo dài ở trẻ trong năm đầu là 22%, giảm xuống 10% ở năm thứ hai và 3% ở năm thứ ba. Mối nguy hiểm lớn nhất đe dọa tới sức khoẻ khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước. Do vậy khi bị tiêu chảy, trước hết cần bù ngay nước và chất điện giải, sử dụng men vi sinh để cân bằng vi sinh vật đường ruột. Cùng lúc, tiêu chảy cấp ở trẻ em nếu không được điều trị đúng cách có thể gây rối loạn tiêu hóa dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong. Để hạn chế tình trạng tiêu chảy cho trẻ, theo các chuyên gia, người dân cần lưu ý giữ gìn vệ sinh, ăn thực phẩm sạch và nấu chín, không ăn thức ăn bán ngoài đường, sử dụng nguồn nước sạch, rửa kỹ tay trước khi chăm sóc và cho trẻ ăn, tránh để trẻ tiếp xúc với người bệnh, tránh sử dụng kháng sinh bừa bãi. Ngoài ra, phụ huynh cần rèn cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh để ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh. Rửa tay với xà phòng làm giảm tới 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, rửa tay với xà phòng và sử dụng nước ăn uống sạch làm giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm…/.
Theo THU HƯƠNG (VIETNAM+)