Thêm hương cho đời
Đến xã Bình Thành (huyện Tây Sơn) hỏi ông Sáu Liên mù (tên thật là Phạm Kim Liên- 75 tuổi) thì ai cũng vui vẻ dẫn đường vì vợ chồng ông không chỉ là đôi vợ chồng đặc biệt (ông mù, bà bị khuyết tật) mà ông còn nổi tiếng là một tay guitar thứ thiệt.
Đến căn nhà nhỏ của ông, điều khiến ai cũng hâm mộ là nụ cười hạnh phúc thường trực trên môi hai vợ chồng. Bà ngồi trước hiên nhà bán hàng tạp hóa nhỏ dành cho học sinh, ông chơi đàn. Một khung cảnh hạnh phúc mà nhiều người mơ ước.
Ông Sáu Liên vẫn hay đàn hát dưới mái nhà của mình.
Ông Sáu Liên kể: “Ngày nhỏ dù bị mù tôi vẫn chăm em cho mẹ, ẵm em đi chơi khắp xóm, rồi đến mười mấy tuổi đã biết xay bột cho mẹ tráng bánh. Tôi siêng năng, thương em thương mẹ nên lúc xin mẹ mua cho cây đàn cò, bà gật đầu thuận lòng liền. Nhưng học chơi tầm 1 tháng thì lại không thích nữa. Tôi thích chơi guitar. Hàng ngày đợi ông anh trai vắng nhà, tôi lấy cây guitar quý giá của anh tìm cách chơi thử. Tình cờ tôi gặp một người khách xa đi công việc ở gần nhà tôi, thấy tôi thích chơi đàn nên trước ngày rời đi, ông dạy tôi chơi mandoline. Ông dạy nốt, dạy hợp âm... Tất cả chỉ vỏn vẹn trong một đêm nhưng nhờ trời thương tôi nhớ như in”.
Sau đêm đó, ông Sáu Liên tiếp tục lấy trộm guitar anh mình để so sánh âm, nốt của 2 cây đàn mandoline và guitar để tìm ra quy luật của guitar. Cùng với đó, ông cũng nhờ người đọc một vài cuốn sách hướng dẫn chơi guitar cho ông nghe. Cặm cụi như thế ít lâu ông chơi được guitar.
Không chỉ dừng lại ở việc biết và chơi các loại nhạc cụ, ông còn dạy cho những ai có nhu cầu học. Rồi sau đó nhiều người tìm đến nhà ông học chơi guitar, nhiều trường ở Tây Sơn mời ông về làm nhạc công cho trường, dạy guitar cho học sinh. Ông còn đầu quân làm nhạc công cho 1 đoàn tuồng không chuyên xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước). Bây giờ không còn sức đi nhưng hễ địa phương có việc cần, hễ gọi là ông lại hăng hái phục vụ, tư vấn, chỉ bày nhiệt tình.
Bà Đặng Thị Lợi (60 tuổi, vợ ông Sáu Liên), cho biết: “Cứ chiều ông lại xách đàn đi, bây giờ đi không nổi rồi nên mới ở nhà. Được cái mê đàn thì mê chứ việc nhà ông vẫn chu toàn. Mà ổng còn tự học bắt điện nữa. Năm đó nhà không có tiền thuê thợ, ổng tự đi mua vật dụng về bắt điện. Mẹ con tôi can không được, vừa ngó ổng vừa run nhưng cuối cùng ông cũng làm xong, đèn sáng, điện sử dụng bình thường”.
Bây giờ tuổi cao, sức khỏe xuống, thỉnh thoảng ông Sáu Liên vẫn chỉnh âm, sửa đàn giúp mọi người xung quanh và đàn hát, tạo không khí tươi vui cho xóm giềng. Hàng xóm của ông nhiều người tấm tắc khen, nhờ ông bà Sáu yêu đời mà cả xóm cũng vui vẻ hẳn.
THẢO KHUY