An toàn lưới điện sau công tơ ở TP Quy Nhơn: Bỏ ngỏ trách nhiệm
Những đoạn dây dẫn kém chất lượng, cột điện xiêu vẹo, tạm bợ... là hình ảnh phản ánh thực trạng mất an toàn của hạ tầng lưới điện sau công tơ tại các khu dân cư trên địa bàn TP Quy Nhơn. Theo Ðiện lực Quy Nhơn, hệ thống điện sau công tơ điện còn bỏ ngỏ chưa ai quản lý, còn người sử dụng thì ý thức chưa cao nên nguy cơ mất an toàn rất lớn.
Nguy cơ mất an toàn
Theo quy định, ngành điện đầu tư hạ tầng lưới điện đến tận công tơ điện. Còn sau công tơ, khách hàng phải bỏ kinh phí đầu tư dây dẫn, cột chống kéo dây để có thể sử dụng điện. Tuy nhiên, có nhiều lý do để việc đầu tư không đến nơi đến chốn, như: các khu dân cư nằm trong diện giải tỏa nên người dân tự ý kéo điện về sử dụng; các tuyến hẻm có lưới điện đã xuống cấp, ngành điện muốn đầu tư lại lưới điện nhưng có nơi thì hẻm quá nhỏ không thể dựng trụ điện, có nơi thì người dân không đồng thuận để đầu tư mới.
Hệ thống điện kéo vào khu dân cư tổ 7C, KV 1, phường Quang Trung, đã bị gãy trụ nên dây điện được mắc tạm lên hàng rào, rất mất an toàn.
Theo Điện lực Quy Nhơn, hiện nay lưới điện sau công tơ mất an toàn nhất (do người dân tự kéo) là tại các khu dân cư nằm dưới chân núi Bà Hỏa thuộc các phường: Đống Đa, Ngô Mây, Lê Hồng Phong, Quang Trung hoặc núi Một thuộc phường Đống Đa. Điển hình như đường điện kéo vào khu dân cư tổ 7C, KV 1, phường Quang Trung, đã bị gãy trụ cách đây cả năm. Cả bó dây điện được người dân mắc tạm lên cây xanh, hàng rào chạy dọc con hẻm vào khu dân cư, rất mất an toàn. Ông Lê Văn Năm, ở KV 1, phường Quang Trung, cho biết: “Khi trụ điện bị gãy, người dân chúng tôi có gọi điện báo cho ngành điện xuống kiểm tra nhưng do lưới điện này người dân tự kéo nên ngành điện đề nghị người dân phải họp lại để đóng góp kinh phí dựng lại trụ cũng như đầu tư lại dây điện mới để đảm bảo an toàn. Thế nhưng, do cảnh “cha chung không ai khóc” nên cả năm trời vẫn chưa khắc phục được”.
Khảo sát các con hẻm trên các tuyến đường: Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ, Ngô Mây, Đống Đa, Nguyễn Huệ…, dễ thấy cảnh dây điện giăng lung tung, rối rắm. Hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, lối đi rất hẹp, tối tăm, sâu hút. Đứng trong hẻm nhìn lên là những đường dây điện cũ kỹ, lùng nhùng, chồng chéo nhau, câu từ nơi này mắc vào nơi kia, rất mất an toàn. Ông Trần Minh Hân, ở hẻm 601 đường Trần Hưng Đạo, cho hay: “Đường dây điện có từ lâu rồi, nhà nào cần là câu về, nên bây giờ trụ thì bị mục không biết gãy đổ lúc nào, còn hệ thống dây điện thì quá xuống cấp, trong khi nhu cầu sử dụng điện của từng hộ dân tăng cao nên nhiều lúc điện bị chập chờn, dễ xảy ra cháy nổ”.
Từng bước tháo gỡ
Theo ông Trần Ngọc An, Phó Giám đốc Điện lực Quy Nhơn, lưới điện ở khu vực nông thôn mất an toàn đã đành, đằng này trong nội thành Quy Nhơn lưới điện ở nhiều khu dân cư cũng không hơn gì. Trước tình trạng này, hằng năm, ngành điện và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn đường dây dẫn điện phía sau công tơ điện, đồng thời kiến nghị người dân khắc phục tình trạng mất an toàn nhằm đề phòng xảy ra tai nạn điện. Song song với đó, ngành điện tiến hành khảo sát và lên kế hoạch từng bước đầu tư dựng lại trụ điện mới, kéo lại hệ thống đường dây điện mới cho các tuyến hẻm, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng. Tuy nhiên, đối với các lưới điện ở các khu dân cư do người dân lấn chiếm đất trái phép xây dựng nhà ở, dù có xuống cấp, mất an toàn nhưng ngành điện không thể đầu tư xây dựng mới.
Ông An cho biết, hiện nay vẫn còn rất nhiều con hẻm trên địa bàn TP Quy Nhơn có lưới điện xuống cấp nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư mới. Nhiều hẻm, người dân không đồng thuận việc cho xây dựng trụ điện, nơi thì người dân đồng thuận nhưng hẻm quá nhỏ, ngóc ngách không thể đưa trụ điện vào, thậm chí đơn vị lên phương án đúc trụ tại chỗ nhưng vẫn không thực hiện được.
“Để từng bước đầu tư xây dựng mới lưới điện ở tất cả các tuyến hẻm trên địa bàn TP Quy Nhơn, ngành điện rất cần sự đồng thuận của người dân. Do vậy, các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc tuyên truyền, vận động cho người dân thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình để các tuyến hẻm có hệ thống điện an toàn, mỹ quan, tiết kiệm”, ông An đề nghị.
PHẠM PHƯƠNG