Ðưa cá ngừ đại dương Bình Ðịnh lên đẳng cấp mới
Ngành chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương cùng ngư dân đã và đang triển khai nhiều biện pháp phát huy giá trị nhãn hiệu độc quyền sản phẩm “cá ngừ đại dương Bình Ðịnh”, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, đưa loại sản phẩm quan trọng này lên đẳng cấp mới.
Ngành chức năng của tỉnh công bố nhãn hiệu CNĐD Bình Định.
Bình quân mỗi năm ngư dân Bình Định khai thác được 10.000 tấn cá ngừ đại dương (CNĐD), chiếm hơn 50% tổng sản lượng khai thác CNĐD của cả nước. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm CNĐD cũng đã được triển khai bằng nhiều biện pháp.
Chinh phục thị trường lớn nhất thế giới
Năm 2018, dù không còn được hỗ trợ từ dự án “Chuyển giao công nghệ, ngư lưới cụ của Nhật Bản để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu CNĐD Bình Định”, nhưng ngư dân Bùi Văn Xếp, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn vẫn áp dụng quy trình kỹ thuật câu - xử lý - bảo quản sản phẩm CNĐD theo kiểu Nhật Bản. Ông Xếp chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi mất nhiều thời gian, công sức mới kéo được một con cá ngừ từ 30 - 50 kg lên tàu, sau đó đánh chết rồi xử lý cá, xong mới đưa xuống hầm đá bảo quản. Hầm bảo quản kiểu cũ không đủ lạnh nên chất lượng cá loại C nhiều khi chiếm tới 30 - 40% sản lượng khai thác, giá chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Từ khi sử dụng bộ câu của Nhật Bản, áp dụng quy trình xử lý - bảo quản kiểu Nhật, mình giảm được công lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm rõ rệt. Bình quân mỗi chuyến biển, tàu của tôi khai thác được khoảng 50 con CNĐD, không có cá loại C, thu nhập cao hơn trước”.
Ở huyện Hoài Nhơn có 13 ngư dân khác đang làm như ông Xếp. Ngoài ra, có 1.350 tàu khác chuyên khai thác CNĐD trong tỉnh cũng dùng thiết bị gây ngất cá và áp dụng một phần “quy trình Nhật Bản”.
Ngư dân xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn đưa cá ngừ đại dương lên bờ để bán.
Bà Nguyễn Thị Trang, chủ cơ sở mua CNĐD Trang Ly, ở xã Tam Quan Bắc, cho biết: “CNĐD khai thác, xử lý, bảo quản theo kiểu Nhật Bản ít bị bầm dập, chất lượng thịt cao hơn nhiều so với cách làm cũ, chúng tôi rất thích và sẵn sàng mua giá cao”.
Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, với cách câu cũ, ngư dân thường giằng co với cá, khiến con cá vùng vẫy dữ dội, thân nhiệt cá tăng lên, cá tiết ra nhiều axit lactic làm cho thịt bị bầm và nhũn. Khi kéo cá đến gần tàu, ngư dân dùng búa đánh vào đầu cho cá chết, kéo lên tàu xử lý nội tạng, bỏ xuống hầm đá bảo quản. Với cách làm cũ, khâu nào cũng có yếu tố làm giảm chất lượng cá. Với “quy trình Nhật Bản”, khi cá dính câu, máy kéo câu sẽ tự động xả chùng dây câu để cá không vùng vẫy, tự động thu dây câu khi cá yếu đi. Lúc cá cách mặt nước từ 10 - 30 m, ngư dân sẽ thả vòng tạo xung điện theo dây câu xuống chụp lên đầu cá làm cho cá bất tỉnh. Kéo con cá lên boong tàu, ngư dân tiến hành xử lý nội tạng, rửa sạch và đưa vào thùng ngâm có nhiệt độ từ 16 - 20oC, sau đó hạ nhiệt độ dần rồi mới đưa xuống hầm lạnh bảo quản. Quy trình này khiến chất lượng cá tăng rõ rệt, thu nhập của ngư dân cũng cao hơn. Ngay từ năm 2015, áo dụng quy trình này, lần đầu tiên tỉnh ta đã xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản 36 con CNĐD, thị trường chấp nhận với giá khá cao, khoảng 237 ngàn đồng/kg. Sản phẩm CNĐD của tỉnh ta cũng dần được quảng bá rộng rãi tại Nhật Bản - thị trường tiêu thụ CNĐD lớn nhất thế giới.
Phát huy giá trị nhãn hiệu
Ngày 21.12, tại huyện Hoài Nhơn, Sở NN& PTNT đã công bố nhãn hiệu CNDĐ Bình Định. Ở góc độ địa phương, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn Phạm Trương cho rằng, sản phẩm CNĐD được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ngành nghề khai thác CNĐD của Hoài Nhơn. Để giữ vững và phát huy giá trị của nhãn hiệu, huyện sẽ tăng cường vận động ngư dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, chỉ đạo cho các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản năm 2017 mạnh hơn, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty Kato Hiroshi (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ CNĐD của Nhật Bản và quảng bá, giới thiệu sản phẩm CNĐD của Bình Định. Phối hợp với chính quyền các địa phương vận động ngư dân thay đổi thói quen, tập quán khai thác, để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, vận động các DN cùng với ngư dân thực hiện liên kết chuỗi khai thác, tiêu thụ sản phẩm CNĐD. Sở NN&PTNT cũng xây dựng quy chế, sử dụng nhãn hiệu.
PHẠM TIẾN SỸ