Việt Nam lọt Top 3 nước xuất khẩu Dệt May cao nhất thế giới
Một trong những nguyên nhân chủ quan về sự đột phá vượt bậc của ngành Dệt May Việt Nam trong năm 2018 là do các DN dệt may Việt Nam vừa và lớn đã ngày càng đáp ứng được các tiêu chí yêu cầu từ đối tác.
Sáng 27.12.2018, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Dệt May nói chung và Vinatex nói riêng trong năm 2018, đồng thời thông tin về những thách thức và cơ hội của ngành Dệt May trong năm 2019.
Cán mốc hơn 36 tỷ USD tổng KNXK
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex cho biết: Toàn ngành đã vượt đích và đạt con số hơn 36 tỷ USD tổng KNXK năm 2018, ngành Dệt May Việt Nam được đánh giá là năm thành công nhất về xuất khẩu trong nhiều năm trở lại đây (tăng hơn 5 tỷ USD và vượt hơn 16% so với cùng kỳ năm 2017), nằm trong Top 3 nước xuất khẩu cao nhất thế giới đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong số 36 tỷ USD giá trị xuất khẩu, hàng may mặc góp gần 29 tỷ USD, vải đạt gần 1,7 tỷ USD, xơ sợi góp gần 4 tỷ USD...
Tại buổi họp báo, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex chia sẻ thông tin cùng báo giới: Năm 2019, toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng trưởng gần 11%, thặng dư thương mại 20 tỷ USD.
Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của Vinatex, ông Hiếu cũng chia sẻ: Giá trị sản xuất công nghiệp: trong năm 2018 ước đạt 46.100 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch năm 2018, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu tính đủ: ước đạt 3.050 triệu USD, bằng 102,3% kế hoạch năm 2018, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng doanh thu: ước đạt 48.658,2 tỷ đồng bằng 100,8% kế hoạch năm 2018, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Lợi nhuận trước thuế: ước đạt 1.532,9 tỷ đồng bằng 116,4% kế hoạch năm 2018, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017.
Lý giải về nguyên nhận thành công vượt bậc này, tại buổi họp báo ông Hiếu đã cho biết: Về khách quan là do dòng dịch chuyển từ khu vực sản xuất rất lớn là Trung Quốc sang các khu vực lân cận và Việt Nam được hưởng lợi từ dòng dịch chuyển đó. Bên cạnh đó, sau một thời gian các hãng phát triển ở những thị trường mới như Bangladesh hay Pakistan đã nhận ra được chất lượng của các đơn hàng, sản phẩm không được như ở thị trường Việt Nam, chính vì vậy các DN dệt may Việt Nam đã có thêm được những đơn hàng mới trong năm 2018. Thậm chí bước sang năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng trong 6 tháng đầu năm.
Hơn 40 cơ quan thông tấn báo chí đã tham gia buổi họp báo
Về chủ quan là do các DN dệt may vừa và lớn ở Việt Nam ngày càng đáp ứng được các tiêu chí từ đối tác, gần như tất cả các doanh nghiệp lớn và vừa có các loại chứng chỉ đánh giá của các hãng, như SA, môi trường, Green Label… Thậm chí, khắc phục được tình trạng làm thêm giờ, đảm bảo được định mức giờ làm cho người lao động. Thêm nữa là do loạt dự án tập đoàn đầu tư cách đây vài năm đã bắt đầu có lãi như sợi Phú Hương (Huế), sợi Nam Định, sợi Phú Cường (Đồng Nai)..., đẩy lợi nhuận công ty mẹ lên cao.
Mục tiêu 40 tỷ USD trong năm 2019
Năm 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng trưởng gần 11%, thặng dư thương mại 20 tỷ USD. Tuy nhiên đón đầu những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, ông Hiếu cho rằng, 2019 vẫn là năm khó lường khi xung đột Mỹ - Trung chưa có hồi kết. "Nếu Mỹ quyết định áp thêm thuế 15% thì tình hình sẽ rất khó khăn. Vì thế, tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng 8-10% là có cơ sở.
Bên cạnh đó phía lãnh đạo Viantex cũng đã đã đưa ra kịch bản dự báo tăng trưởng năm sau trong đó có tính tới phương án ứng phó nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Cùng đó, Vinatex sẽ tiếp tục đầu tư chiều sâu, thay thế máy móc thiết bị bằng máy móc tiên tiến và giảm nhân sự ở các khâu không cần thiết để tăng năng suất, chủ động tích lũy các nguồn lực để đầu tư mạnh vào sản xuất nguyên phụ liệu tạo chuỗi cung ứng sợi, dệt, nhuộm, may hoàn tất.
Theo Thu Hoài (tapchicongthuong.vn)