Đồng chí Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng
Trưa 28.12, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có phát biểu chỉ đạo quan trọng.
8 kết quả nổi bật
Nhìn lại năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, với 8 nổi bật.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thứ nhất, kinh tế có bước tăng trưởng đáng mừng, đạt hơn 7%. Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nâng quy mô GDP lên hơn 245 tỷ USD, bình quân đầu người lên khoảng 2.580 USD/người, tăng thêm gần 200 USD so với năm 2017. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức 3,54%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; bội chi ngân sách ở mức thấp 3,67% GDP; nợ công có xu hướng giảm. Thị trường tiền tệ ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục được cải thiện. Xuất khẩu đạt 245 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017; xuất siêu hơn 7 tỷ USD.
Thứ hai, các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở cả thành thị và nông thôn được cải thiện rõ rệt. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã có gần 40% số xã của cả nước đạt chuẩn, vượt tiến độ đề ra.
Thứ ba, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tăng cường, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Thứ tư, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ và đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách được đẩy mạnh; nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng được điều tra phát hiện, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.
Thứ năm, các bộ, ban, ngành, cơ quan hành chính sự nghiệp của Chính phủ và các địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động.
Thứ sáu, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng ngày càng dân chủ, kỷ cương.
Thứ bảy, các cơ quan tư pháp, nhất là Toà án, Viện Kiểm sát và các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra đã hoạt động rất ráo riết, quyết liệt theo đúng chức trách, nhiệm vụ và phối hợp khá nhịp nhàng, hoàn thành một khối lượng lớn các công việc theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ tám, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia phản biện xã hội, thực hiện các chính sách xã hội, phong trào xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hoá…
“Kết quả năm 2018 là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý. Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang tiếp tục lan toả rộng khắp trên cả nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Không được quá say sưa với thành tích, thắng lợi
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, thoả mãn; không quá say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội, không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục được.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP
“Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả, thất thoát, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nặng nề, nhất là ở khu vực kinh tế Nhà nước. Tình trạng trên nóng, dưới lạnh, kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều trở ngại, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của doanh nghiệp. Tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, khiếu kiện đông người... còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.
Về nhiệm vụ năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của thị trường, nhất là thị trường thế giới; duy trì đà tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
Muốn thế, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo chuyển biến rõ nét hơn trong việc tháo gỡ một cách thực chất những ách tắc, rào cản đối với các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp.
Phát triển đồng bộ và lành mạnh các loại thị trường nhất là các thị trường hàng hoá, dịch vụ thiết yếu và thị trường các yếu tố sản xuất như: thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản, thị trường điện…để bảo đảm cung cầu trên thị trường và các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, vay trả nợ nước ngoài, giữ vững an ninh, an toàn kinh tế - tài chính - tiền tệ quốc gia.
Đẩy mạnh việc sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước; xử lý dứt điểm các doanh nghiệp, dự án đầu tư chậm tiến độ, thua lỗ, kém hiệu quả; xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; nâng cao chất lượng, tiến độ và hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, trong năm 2019 và các năm tiếp theo, cần tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chương trình, kế hoạch và đề án đã đề ra về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phấn đấu tạo ra được những chuyển biến về chất, có tính đột phá trên các lĩnh vực công tác này để nền kinh tế nước ta thực sự vận hành theo cơ chế thị trường, tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật của thị trường, phù hợp với thực tế phát triển đất nước trong tình hình mới...
“Văn hoá soi đường cho quốc dân đi"
Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần quan tâm hơn nữa và có biện pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa đối với việc xây dựng và phát triển có hiệu quả văn hoá, xã hội, xây dựng con người theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương về lĩnh vực này.
Cần nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội"; "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi"; văn hoá có mạnh, xã hội có ổn định, phát triển hài hòa, con người có phát triển toàn diện thì đất nước mới phát triển nhanh và bền vững được; phải thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách...
Hiện nay chúng ta đang đứng trước bối cảnh kinh tế thị trường, toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang và sẽ ảnh hưởng sâu rộng, nhanh chóng, cả tích cực lẫn tiêu cực đến văn hoá, xã hội và đạo đức, tư duy, lối sống của con người, các cộng đồng, dân tộc trên toàn thế giới, trong đó có nước ta. Vì vậy, càng cần đặc biệt coi trọng lĩnh vực này.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong việc xây dựng văn hoá, phát triển xã hội, chăm lo xây dựng con người, cần hết sức chú ý việc giữ gìn và phát huy truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc; giáo dục bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, nhân cách con người Việt Nam; xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, hạnh phúc; phát triển xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Cùng với đó, tập trung ưu tiên xử lý một cách căn cơ, bài bản những vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như: khoảng cách giàu - nghèo và trình độ phát triển có xu hướng doãng ra; tỉ lệ số hộ cận nghèo, tái nghèo còn lớn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đạo đức xã hội xuống cấp, tệ nạn xã hội gia tăng, kể cả trong công sở, bệnh viện, trường học …
Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cung nhấn mạnh đến việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại toàn diện về quốc phòng, an ninh theo tinh thần "giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy", không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm, phòng, chống cháy, nổ, các tệ nạn xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; sẵn sàng ứng phó kịp thời, xử lý có hiệu quả các sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước.
Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân không đủ tiêu chuẩn.
Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.
Tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Giữ vững nguyên tắc, nền nếp sinh hoạt đảng; khắc phục tình trạng coi nhẹ, thậm chí coi thường công tác xây dựng nội bộ Đảng trong các cơ quan Nhà nước.
Theo PHAN THẢO (SGGPO)