Công tác tiêm chủng gặp nhiều khó khăn
Việc chậm triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five so với kế hoạch khiến số trẻ cần tiêm bù tăng cao, bên cạnh đó, ngành y tế một số địa phương còn phải thực hiện kế hoạch uống bổ sung vắc-xin bại liệt (bOPV) cho trẻ dưới 5 tuổi, tiêm vắc-xin sởi và tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho trẻ 1 - 5 tuổi vùng nguy cơ cao.
Việc cho trẻ uống bổ sung vắc-xin bại liệt (bOPV) ngành y tế dự phòng cố gắng thực hiện theo kế hoạch.
4 tháng kể từ khi cạn nguồn vắc-xin Quinvaxem, trong khi vắc-xin ComBE Five thay thế vẫn chưa được triển khai trên diện rộng. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, không ít người đã tự trả tiền để tiêm dịch vụ. Tuy nhiên, nguồn vắc-xin dịch vụ cũng có thời điểm đứt hàng càng làm cho tâm lý lo lắng thêm căng thẳng.
Ngay sau khi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five rộng rãi trên toàn quốc, TTYT Dự phòng tỉnh đã tiếp nhận thêm 7.000 liều để cung ứng cho các địa phương. Như vậy, tính từ khi bắt đầu triển khai đã có tổng cộng 14.000 liều vắc-xin ComBE Five được chuyển về Bình Định.
Theo ước tính của ThS Bùi Ngọc Lân, Giám đốc TTYT Dự phòng tỉnh, do việc triển khai tiêm ComBE Five chậm hơn dự kiến, trong khi vắc-xin Quinvaxem đã hết, nên có đến hơn 23.000 trẻ bị ảnh hưởng. Trong đó có khoảng 8.300 trẻ chưa được tiêm mũi đầu tiên, riêng trong tháng 12 trên địa bàn toàn tỉnh cần sử dụng khoảng 11.400 liều vắc-xin ComBE Five.
Tuy đã được triển khai rộng rãi, nhưng do số lượng vắc-xin còn hạn chế, nên bước đầu Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương lựa chọn phương thức tiêm phù hợp: chỉ tiêm cho trẻ chưa tiêm mũi nào, chưa tiêm trả mũi; chọn một số địa phương đáp ứng tốt các điều kiện để tiêm. Trước đó, trong tháng 10 và 11, đã có 17.365 trẻ ở 889 xã thuộc 7 tỉnh (Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu) được tiêm vắc-xin ComBE Five. Trong đó có 5,5% số trẻ phản ứng sau tiêm, trong số này có 3 trường hợp phản ứng nặng (1 trường hợp sốt cao co giật, 2 trường hợp phản ứng phản vệ), đều được xử trí kịp thời, không có tử vong.
Mới đây, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 7319/QĐ-BYT về việc phê duyệt Kế hoạch uống bổ sung vắc-xin bại liệt (bOPV) cho trẻ dưới 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao năm 2018 - 2019. Theo quyết định này, tỉnh Bình Định có 3 huyện được đưa vào diện có nguy cơ cao gồm: An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh. Theo thống kê sơ bộ, số trẻ cần được uống bổ sung vắc-xin bại liệt ở An Lão là 2.630 trẻ, Vĩnh Thạnh 2.525 trẻ, Vân Canh 2.465 trẻ; mỗi trẻ được uống 2 lần, cách nhau 1 tháng.
Trong khi đó, cách đây chưa lâu, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về việc triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho trẻ 1 - 5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Thời gian triển khai từ tháng 1 đến tháng 2.2019. Đối tượng là tất cả trẻ từ 1 - 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao (trẻ sinh từ ngày 1.3.2014 - 1.1.2018) sẽ được tiêm 1 mũi vắc-xin sởi - rubella không kể tiền sử được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi hoặc vắc-xin phòng bệnh rubella trước đó. Ngoại trừ trẻ đã tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi hoặc vắc-xin phòng bệnh rubella trong thời gian dưới 1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung.
ThS Bùi Ngọc Lân cho biết, căn cứ theo những tiêu chí xác định “vùng có nguy cơ cao”, đối tượng trẻ em ở huyện Phù Cát và huyện Tây Sơn sẽ được tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella. Ngoài việc thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh, TTYT Dự phòng tỉnh còn xác định huyện Vĩnh Thạnh cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao, vì có 7 ca mắc sởi trong năm 2018. Do đó, trẻ từ 1 - 5 tuổi tại Vĩnh Thạnh cũng được tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella trong đợt này.
“Việc triển khai tiêm, uống bổ sung cho nhiều địa phương dồn dập trong cùng một khung thời gian hẹp khiến chúng tôi rất bị động trong việc lập kế hoạch. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phòng chống dịch bệnh thì tất cả phải cố gắng thực hiện” - ông Lân chia sẻ.
LÊ CƯỜNG
Các bà mẹ nên biết
Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi ngắn với ThS Bùi Ngọc Lân về một số vấn đề liên quan đến tiêm vắc-xin ComBE Five mà các bà mẹ hiện rất quan tâm:
* Thưa ông, trẻ đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc-xin Quinvaxem thì sẽ được tiêm vắc-xin ComBE Five tiếp theo như thế nào?
- Lịch tiêm chủng 3 mũi vắc-xin DPT-VGB-Hib áp dụng khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Nếu trẻ đã tiêm 1 hoặc 2 liều vắc-xin Quinvaxem thì sẽ tiêm mũi tiếp theo với vắc-xin ComBE Five mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Lưu ý khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng.
* Trẻ đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc-xin DPT-VGB-Hib cách đây 4-5 tháng, vậy có phải tiêm lại từ đầu không?
- Lịch tiêm chủng 3 mũi vắc-xin ComBE Five là 2, 3 và 4 tháng tuổi. Nếu liều vắc-xin ComBE Five nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm sớm vào thời gian sau đó mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu.
* Trẻ trên 1 tuổi có được tiêm vắc-xin ComBE Five miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng không, thưa ông?
- Vắc-xin DPT-VGB-Hib trong tiêm chủng mở rộng hiện tại đủ để tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi. Nếu trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi thì cần phải tiêm chủng cho trẻ càng sớm càng tốt trước 1 tuổi. Nếu trẻ trên 1 tuổi thì có thể tiêm loại vắc-xin tương tự trong tiêm chủng dịch vụ.
* Trẻ đang tiêm dịch vụ có thể quay lại tiêm vắc-xin ComBE Five miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng không?
- Có thể cho trẻ dưới 1 tuổi tiêm vắc-xin ComBE Five miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nếu trẻ chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin trong lịch tiêm chủng. Vắc-xin phối hợp ComBE Five phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vắc-xin dịch vụ có nhiều loại, nên các bà mẹ cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng của con mình để cán bộ y tế biết được trẻ đã được tiêm vắc-xin gì và có chỉ định tiêm đúng cho trẻ.
* Trường hợp nào trẻ không được tiêm vắc-xin ComBE Five?
- Không tiêm vắc-xin ComBE Five với trẻ có tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng mạnh đối với vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) hoặc vắc-xin viêm gan B, vắc-xin Hib như: sốt cao trên 390C, sốc, khóc dai dẳng trên 3 giờ, co giật kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 48 giờ sau tiêm. Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.
ĐỨC MẠNH (Thực hiện)