Nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở Phù Mỹ: Ðã “hạ nhiệt” nhưng vẫn còn
Khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Phù Mỹ dần “hạ nhiệt”. Kết quả này là sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương; đặc biệt, lực lượng kiểm lâm huyện đã tăng cường bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Lực lượng KL huyện Phù Mỹ phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển lâm sản trái phép.
Tăng cường tuần tra, xử lý
Theo Hạt Kiểm lâm (KL) huyện Phù Mỹ, trên địa bàn huyện có hơn 35.000 ha đất lâm nghiệp và đất có rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng); gần 8.000 ha đất quy hoạch phát triển rừng. Hầu hết diện tích đất lâm nghiệp và đất có rừng phân bổ ở khu vực xa xôi, địa hình đồi núi hiểm trở. Do đó, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) phải bám sát địa bàn; tăng cường tuần tra mới có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, các trạm kiểm lâm thuộc Hạt KL huyện Phù Mỹ thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát lâm sản trên những tuyến đường giáp ranh với huyện Phù Cát, Hoài Nhơn, Hoài Ân. Kiểm tra, truy quét tại các khu vực có nguy cơ phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế trái phép. Cán bộ KL phụ trách địa bàn phối hợp hiệu quả với lực lượng dân quân tự vệ các xã, thị trấn trong QL-BVR; PCCC rừng.
Trong năm 2018, Hạt KL huyện Phù Mỹ tổ chức 107 đợt tuần tra, truy quét rừng; phát hiện 11 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, xử lý hành chính 9 vụ, tịch thu gần 4 m3 gỗ xẻ các loại từ nhóm IV - nhóm VI, thu nộp ngân sách hơn 152 triệu đồng; chuyển hồ sơ cho cơ quan CA huyện Phù Mỹ 1 vụ vận chuyển trái pháp luật 338 hộp gỗ xẻ (khối lượng gần 40 m3) từ nhóm III - nhóm VI; 1 vụ đang điều tra, xác minh.
Ngoài ra, Hạt KL huyện phối hợp với UBND các xã, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ tổ chức 45 đợt tuần tra, truy quét trong rừng. Qua kiểm tra đã phát hiện, phá hủy 5 lò than, tiêu hủy tại rừng 1.000 kg than hầm, phá hủy 2 lán trại. Phát hiện, xử lý 3 vụ lấn, chiếm trái phép đất quy hoạch phát triển rừng tại xã Mỹ Phong với tổng diện tích hơn 13.000 m2.
Lực lượng KL địa bàn phối hợp với chính quyền các địa phương và ngành chức năng tổ chức 23 buổi tuyên truyền, với gần 1.100 lượt người tham dự. Nội dung tuyên truyền là các văn bản liên quan đến Luật Bảo vệ và phát triển rừng; các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong QL-BVR.
Nâng cao trách nhiệm QL-BVR
Dù đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn, chiếm trái phép đất lâm nghiệp, đất phòng hộ vẫn còn xảy ra trên địa bàn huyện Phù Mỹ. Ông Ngô Khánh Toàn, Hạt trưởng Hạt KL huyện Phù Mỹ, nhìn nhận: “Tình trạng này còn xảy ra là do lực lượng KL và lực lượng chuyên trách BVR mỏng, trong khi diện tích rừng toàn huyện rất lớn. Ngoài ra, lợi nhuận cao từ việc trồng rừng kinh tế đã khiến không ít người dân phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Một số chủ rừng chưa quan tâm đúng mức đến công tác QL-BVR; chưa thường xuyên, chủ động tuần tra, kiểm tra rừng...”.
Từ những nguyên nhân trên, Hạt KL huyện Phù Mỹ chỉ đạo kiểm lâm phụ trách địa bàn tham mưu UBND các xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ huy Các vấn đề cấp bách trong QL-BVR; kiện toàn các tổ, đội BVR và PCCC rừng tại các thôn. Triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn tình trạng người dân phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp, phòng hộ để trồng rừng kinh tế trái phép. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về QL-BVR.
Phối hợp với các chủ rừng, hộ nhận khoán BVR thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng để ngăn chặn kịp thời các đối tượng có hành vi vi phạm. Quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; kiên quyết tham mưu cấp thẩm quyền đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến gỗ vi phạm pháp luật.
Mặt khác, phối hợp với chính quyền các địa phương, các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về QL-BVR. Trong đó, chú trọng những nội dung gắn trực tiếp với cuộc sống của nhân dân, như: các chính sách lâm nghiệp mà người dân được hưởng; các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính; thủ tục khai thác gỗ rừng trồng trong rừng phòng hộ, trong vườn nhà, trang trại… Vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết BVR; tham gia chữa cháy rừng khi có cháy xảy ra.
CÔNG LUẬN