Phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm: Nâng cao kỹ năng xét xử
Việc chủ động phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh đã góp phần nâng cao kỹ năng xét xử các vụ án và tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân ngày một hiệu quả.
Kỹ năng tranh tụng tại các phiên tòa ngày một được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng xét xử và nhận thức pháp luật cho mọi người.
Mục đích của việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp là từng bước nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Do đó, các vụ án được lựa chọn đưa ra xét xử thường phức tạp về tính chất hành vi; có khả năng tranh tụng nhiều; những vụ án mang tính chất phổ biến hoặc hy hữu nhưng có thể là nền tảng để các thành viên cùng tham gia phiên tòa rút kinh nghiệm học hỏi, đúc kết.
“Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã cho thấy, đây là một biện pháp tự đào tạo, góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến tích cực về chất lượng công tác tranh tụng tại tòa, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hình sự, dân sự nói chung”.
Ông TRẦN VĂN SANG, Viện trưởng Viện KSND tỉnh
Vừa qua, các cơ quan tố tụng đã chọn vụ án Phan Thanh Công (SN 1986, tỉnh Gia Lai) phạm tội giết người để tổ chức phiên tòa trực tuyến đến 11 viện KSND cấp huyện, giúp kiểm sát viên các đơn vị tham dự rút kinh nghiệm chung. Tại phiên tòa, kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đã phân tích, đánh giá đầy đủ nội dung vụ án, chứng cứ buộc tội, xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nguyên nhân phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Trước những lập luận, phân tích cụ thể, đầy tính thuyết phục của tòa, bị cáo hoàn toàn thừa nhận hành vi của mình.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang cho biết: Việc phối hợp với TAND cùng cấp để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện yêu cầu cải cách tư pháp. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị địa phương. Một số đơn vị đã phối hợp tổ chức được phiên tòa hình sự, dân sự để rút kinh nghiệm chung cho cả kiểm sát viên và thẩm phán, có lãnh đạo hai ngành tham dự và chỉ đạo việc rút kinh nghiệm chung giữa hai ngành và riêng từng ngành ngay sau phiên tòa.
Được biết, để phát huy tối đa hiệu quả các phiên tòa rút kinh nghiệm, việc chọn, phân công kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa được đặc biệt quan tâm. Do đó, tại các phiên tòa này, không chỉ kiểm sát viên có năng lực được phân công thực hiện nhiệm vụ mà còn có nhiều kiểm sát viên khác tham gia, để học tập kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác truy tố và xét xử.
Trong năm 2018, TAND và viện KSND 2 cấp đã tổ chức 72 phiên tòa rút kinh nghiệm. Có thể nói, chính nhờ vậy đã làm cho chất lượng tranh tụng, xét xử của các phiên tòa ngày càng được nâng cao. Hiện nay, trong mỗi phiên tòa, kiểm sát viên không chỉ bảo vệ phần luận tội của mình mà còn tập trung theo dõi và ghi chép đầy đủ diễn biến phiên tòa, để kịp thời sửa đổi, bổ sung vào nội dung luận tội cho phù hợp với chứng cứ được đánh giá tại phiên tòa. Do đó, đối đáp, tranh luận tại tòa ngày càng sinh động, thuyết phục hơn. Phó Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thanh Trà nhận xét: “Việc tranh tụng tại tòa không hạn chế thời gian và còn đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình. Để làm được điều này, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng trên cơ sở quy định của pháp luật”.
Một kiểm sát viên tham gia phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích chia sẻ: “Phiên tòa rút kinh nghiệm không chỉ giúp kiểm sát viên trực tiếp làm nhiệm vụ tại phiên tòa mà các thành viên khác cũng được học tập, rút kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ để tạo hành trang cho mình trong những vụ án sau; tránh oan sai, lọt tội hoặc định sai tội danh”.
“Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã cho thấy, đây là một biện pháp tự đào tạo, góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến tích cực về chất lượng công tác tranh tụng tại tòa, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hình sự, dân sự nói chung”, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang nhấn mạnh.
KIỀU ANH