Bệnh viêm mũi họng cấp
Viêm mũi họng cấp tính là bệnh khá phổ biến, bệnh xảy ra quanh năm nhưng khi thời tiết chuyển mùa thì dễ bị mắc bệnh hơn.
Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Trưởng khoa Tai mũi họng (BVĐK tỉnh), cho biết: “Ngoài yếu tố như: thời tiết chuyển lạnh đột ngột, mưa ẩm... thì khói xe, khói thuốc lá, khói than, bụi bẩn... cũng khiến ta dễ bị mắc bệnh. Bệnh nhân có biểu hiện như sốt 38 - 40°C, môi khô, lưỡi bẩn, đau mỏi toàn thân. Khởi đầu là dấu hiệu khô họng, đau rát họng, ho, chảy mũi và ngạt tắc mũi hai bên. Điều trị bệnh cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm mũi họng do vi khuẩn các bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh toàn thân kết hợp với điều trị triệu chứng: hạ sốt, giảm đau, giảm ho, chống phù nề, chống xung huyết mũi. Nếu viêm mũi họng cấp do virus chỉ cần điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng”.
Bệnh viêm mũi họng cấp khi thời tiết chuyển mùa thường diễn ra trong vòng 3 - 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng đối với trẻ em, người cao tuổi khi sức đề kháng yếu thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm và trở thành viêm mũi họng mạn tính; hoặc thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S.pyogenes).
Để phòng bệnh cần tăng sức đề kháng cơ thể, sống trong môi trường trong sạch, không ô nhiễm, tích cực phòng bệnh… Đối với trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay cho trẻ bằng khăn mềm (khăn mới, sạch). Nếu dịch mũi đặc, có rỉ mũi, nên nhỏ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, rồi nhẹ nhàng dùng tay day mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra. Khi thời tiết chuyển mùa, nên giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân khi thời tiết lạnh, vệ sinh họng, miệng sạch. Đảm bảo môi trường sống tránh khói bụi, ẩm mốc, chật chội. Tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây: người lớn hoặc trẻ em bị bệnh.
THU PHƯƠNG