Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Chọn theo tiêu chuẩn nào?
Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp (SPNN) đạt tiêu chuẩn hữu cơ (Organic) của người tiêu dùng ngày càng tăng, mặc dù giá của những sản phẩm này không hề rẻ, thậm chí cao gấp 3 - 4 lần so với SPNN đạt tiêu chuẩn GAP. Chính điều này tác động đến sự phát triển của các cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Organic. Song, việc chọn được sản phẩm đúng tiêu chuẩn Organic không hề dễ dàng.
Sản phẩm hữu cơ Co.op Organic theo tiêu chuẩn USDA (Mỹ) và EU châu Âu của Saigon Co.op tại siêu thị Co.opmart Quy Nhơn.
SPNN canh tác thông thường theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt) cho phép sử dụng hóa chất, có thời gian cách ly phù hợp khi thu hoạch. Trong khi đó, điểm khác biệt lớn nhất của sản phẩm Organic là trong quá trình canh tác, người sản xuất hoàn toàn không sử dụng hóa chất bảo vệ nông nghiệp; thân thiện với môi trường tự nhiên. Quy trình sản xuất, kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng chặt chẽ, các tiêu chí liên quan đến sức khỏe người dùng rất nghiêm ngặt, khiến SPNN đạt tiêu chuẩn Organic được bán với giá rất cao.
Có một điều người tiêu dùng nên lưu ý: SPNN “đạt tiêu chuẩn Organic” hoàn toàn khác với SPNN được “sản xuất theo hướng Organic”. Hiện nay, một số cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch ở TP Quy Nhơn, có nhiều quảng cáo cửa hàng kinh doanh SPNN sạch sản xuất theo hướng Organic nhưng người bán giới thiệu không rõ ràng, dứt khoát sự khác nhau. Thậm chí có nơi “gắn mác” đạt tiêu chuẩn Organic cho sản phẩm sản xuất theo hướng Organic. Bởi vậy, người tiêu dùng nên thận trọng, tìm hiểu nguồn gốc sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng nhằm mua hàng đúng đắn, giá cả hợp lý.
Theo bà Đặng Hường, Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA), để chọn đúng SPNN đạt tiêu chuẩn Organic, người tiêu dùng nên lưu ý một số vấn đề sau: trên sản phẩm phải có công bố tiêu chuẩn Organic đang áp dụng; chứng nhận còn hạn sử dụng, thông tin về đơn vị cấp chứng nhận tiêu chuẩn đó; công bố nguồn thông tin và cách thức truy xuất được tình trạng chứng nhận. Với thị trường Việt Nam, người tiêu dùng sẽ thấy các SPNN hữu cơ sử dụng các logo chứng nhận chất lượng của PGS (Việt Nam) dành cho các loại rau, củ, quả và gạo; logo USDA (Mỹ); logo JAS (Nhật Bản); logo của Liên minh châu Âu.
QUANG BẢO