Phòng ngừa tai nạn bom mìn
Từ ngày 20.12 đến cuối tháng 12, chuỗi hoạt động truyền thông tại cộng đồng và trường học về phòng ngừa tai nạn bom mìn đã diễn ra tại 5 xã triển khai thí điểm hợp phần truyền thông phòng ngừa tai nạn bom mìn.
Hợp phần thuộc Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”, do Hội CTĐ tỉnh phụ trách triển khai tại 5 xã và 5 trường tiểu học ở huyện Tuy Phước và Phù Cát.
Cán bộ quân sự xã Cát Nhơn (Phù Cát) giới thiệu đến người dân địa phương các loại bom mìn, vật nổ và hướng dẫn cách ứng xử khi gặp phải.
Tại các buổi truyền thông, nhiều tranh ảnh liên quan đến vật nổ, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã được trưng bày. Cán bộ quân sự cấp cơ sở đã giới thiệu đến người dân địa phương và học sinh về đặc điểm nhận biết của bom bi, đạn cối, mìn cóc, lựu đạn, mìn chống tăng... và hướng dẫn cách ứng xử khi gặp phải vật nổ.
Bà Nguyễn Thị Lan (51 tuổi, ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát) cho biết: “Dự buổi tuyên truyền về, tôi sẽ dặn con cháu thấy vật lạ có hình dáng giống bom mìn, vật nổ, dù đã sét gỉ cũng không chủ quan cầm nắm, xê dịch mà phải báo cho chính quyền địa phương. Lỡ đâu nó nổ là nguy hiểm đến tính mạng”.
Tăng tính thuyết phục hơn cả là câu chuyện của những người là nạn nhân của tai nạn bom mìn. Chỉ vào những vết sẹo trên mặt, ông Phạm Văn Quý (45 tuổi, ở thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) kể: “Năm 12 tuổi, tôi đi coi người lớn ở xóm Tây cưa mìn. Sau vụ nổ kinh hoàng, chỉ mỗi mình tôi may mắn sống sót. Đến bây giờ, nó vẫn luôn là nỗi ám ảnh. Vì sức khỏe bị ảnh hưởng, tôi không thể làm được nhiều việc nhằm nâng cao kinh tế gia đình”.
Tiểu phẩm của xã Cát Tân (Phù Cát) kêu gọi người dân không chủ quan lưu giữ, mua bán vật nổ, bom mìn.
Chưa thể quên được đứa con trai đầu lòng mất vì một vụ nổ vào 14 năm trước, chị Võ Thị Thanh Mai (48 tuổi, ở thôn Kiều An, xã Cát Tân, huyện Phù Cát), bần thần: “Lúc đó, cháu học lớp 2. Tại TTYT huyện, cháu kể là mình nhặt được một vật lạ lạ trên đường đi học về. Vừa đi, cháu vừa xoay xoay, một lúc sau nó phát nổ. Người ta lật đật chuyển viện cháu về tuyến tỉnh nhưng không cứu kịp. Từ đó, nghe tới bom mìn hoặc một cái gì đó phát nổ, tôi cũng giật mình. Hai đứa con sau, tôi hay kể về chuyện anh chúng bị mất do cầm trúng vật nổ, dặn dò các cháu cẩn thận, không được nhặt vật lạ trên đường. Tôi mong không có ai rơi vào cảnh giống gia đình tôi”.
Những câu chuyện của người trong cuộc có sức tác động sâu sắc đến nhận thức của những người dự chương trình, đặc biệt là những người trẻ, các em học sinh. Bên cạnh đó, ngôn ngữ của sân khấu cũng được áp dụng để giúp thông điệp thêm lan tỏa. Các trường học và địa phương đã dành tâm sức để biên soạn, tập luyện các tiểu phẩm truyền thông về sự đe dọa của bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Các tiểu phẩm thu hút người xem, từ đó, vỡ vạc ra nhiều bài học.
Cười giòn trước tiểu phẩm do các diễn viên không chuyên của xã biểu diễn, ông Trần Văn Thanh (ở thôn Tân Hòa, xã Cát Tân, huyện Phù Cát), một nạn nhân của tai nạn bom mìn, nói: “Tiểu phẩm đã kể về sự chủ quan thường gặp của nhiều người. Họ cứ nghĩ khối sắt gỉ không có gây hại gì, giữ lại để bán nhôm nhựa được vài chục ngàn đồng. Thật ra, khối thuốc nổ bên trong có sức tác hại ghê gớm. Tôi cũng mong bà con xem tiểu phẩm, cười xong rồi thấm thía để ý thức hơn, tránh gây hại cho mình, cho mọi người xung quanh”.
Sau chiến tranh, tai nạn bom mìn, vật nổ vẫn là nỗi ám ảnh, đe dọa cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH. Để giảm thiểu tác hại của tai nạn bom mìn, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành liên quan, mỗi công dân cần trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình, gia đình và những người xung quanh. Vì chỉ một giây chủ quan, hiếu kỳ trước vật nổ, bom mìn, vết thương và nỗi đau còn mãi về sau.
NGUYỄN MUỘI