Ðiện ảnh Bình Ðịnh trên chặng đường 50 năm: Nhiệt huyết phục vụ nhân dân
Tháng 3.1968, tại Ðồi Chè, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, Ban Tuyên huấn tỉnh Bình Ðịnh phối hợp với Ðiện ảnh Khu 5 quyết định thành lập Ðội chiếu bóng tỉnh Bình Ðịnh để phục vụ các nhiệm vụ cách mạng. Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển (1968 - 2018), Ðiện ảnh Bình Ðịnh tự hào vì luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đóng góp xứng đáng cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Đội chiếu bóng đầu tiên của tỉnh Bình Định gồm 6 người, do đồng chí Trần Văn Tuân làm Đội trưởng và các thành viên: Lý Hồng Xum, Đỗ Hữu Lý, Bùi Quang Châu, Hồ Văn Hòa và Ngô Văn Duyên. Đây là những hạt nhân đầu tiên của ngành Điện ảnh Bình Định.
Đồng hành trong chiến đấu, xây dựng
Đội được trang bị đơn giản gồm 1 máy chiếu phim 16 mm, loa, tăng âm, máy phát điện và bộ phim “Khúc ruột miền Trung”. Với tinh thần “Súng là máy, đạn là phim”, Đội không ngại hy sinh, gian khổ, gùi cõng máy chiếu, phim ảnh đến các vùng giáp ranh, tranh chấp để chiếu phim tuyên truyền, động viên tinh thần chiến sĩ, nhân dân ngay cả trong những thời điểm ác liệt nhất.
Một buổi chiếu phim phục vụ bà con làng Kon Mon, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn.
Đến ngày 9.3.1976, UBND tỉnh Nghĩa Bình sáp nhập Đội Chiếu bóng Bình Định và Chiếu bóng Quảng Ngãi thành Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Nghĩa Bình, với nhiệm vụ vừa phục vụ chính trị, vừa tạo nguồn thu đóng góp vào ngân sách Nhà nước, góp phần xây dựng, phát triển ngành.
Trong tình hình chung còn nhiều khó khăn, Điện ảnh tỉnh nhà đã khắc phục khó khăn, đưa điện ảnh vào đời sống quần chúng, tuyên truyền, quảng bá những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, ca ngợi những tình cảm cao đẹp, tính nhân văn của người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thông qua những bộ phim như: Mối tình đầu, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà...
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Nhà nước chú trọng đầu tư công tác phát hành và phổ biến phim, Điện ảnh Nghĩa Bình từng bước khởi sắc. Có thể nói, giai đoạn này Điện ảnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần làm thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân phù hợp với quan điểm xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Cuối năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình được tách ra thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Theo đó, Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Nghĩa Bình được đổi tên thành Công ty Điện ảnh Bình Định. Giai đoạn 1986 - 1993 được xem là giai đoạn rực rỡ của Điện ảnh Bình Định. Nhiều rạp chiếu bóng được nâng cấp, xây dựng mới như rạp chiếu bóng Lê Lợi, rạp chiếu bóng 31-3, rạp chiếu bóng 1-5. Các cơ sở chiếu bóng ở Quy Nhơn và các huyện An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn… là những tụ điểm giải trí thu hút đông đảo nhân dân, có lúc tổ chức 5 - 6 suất chiếu/ngày.
Đặc biệt, những đội chiếu bóng lưu động luôn phải hoạt động hết công suất, “chiếu chạy” 2 - 3 điểm/đêm. Điện ảnh Bình Định cũng đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền các đợt phim, tuần phim, đáp ứng được nhu cầu của khán giả, doanh thu vượt kế hoạch hằng năm, đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước.
Khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ
Nhưng đến cuối những năm 1990, công nghệ thông tin, mạng internet, ngành truyền hình, cùng với sự bùng nổ các loại hình giải trí hiện đại, đã tác động đến hoạt động chiếu bóng. Công tác phát hành, phổ biến phim trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn.
Năm 2006, UBND tỉnh Bình Định quyết định tổ chức lại Công ty Điện ảnh - Băng hình Bình Định thành Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Sở VH-TT&DL (nay là Sở VH&TT). Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, viên chức trong ngành vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết với nghề, nỗ lực thực hiện mỗi năm hàng trăm buổi chiếu phim phục vụ đồng bào miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa. Nhờ đó đồng bào những thôn, làng hẻo lánh ở vùng cao như: An Toàn (An Lão), Canh Giao, Kà Bông (Vân Canh), O2 (Vĩnh Thạnh)… vẫn được xem phim nhựa, ánh sáng điện ảnh vẫn rực trên khắp các làng! Trong công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn của trung ương và địa phương luôn được tổ chức các đợt phim, tuần phim theo từng chủ đề phù hợp.
Thực hiện chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa lĩnh vực điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định đã xây dựng Đề án hợp tác đầu tư cơ sở rạp chiếu bóng 31-3 thành Cụm rạp chiếu phim kỹ thuật số tiên tiến hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức phim ngày càng đa dạng, phong phú của khán giả. Hiện Trung tâm đang phối hợp với các cơ quan chức năng và DN triển khai thực hiện Đề án, hy vọng sẽ có nhiều khởi sắc.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, ngành Điện ảnh Bình Định luôn tự hào là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, hướng về nhân dân phục vụ.
Qua 50 năm xây dựng và phát triển, ngành Ðiện ảnh Bình Ðịnh được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý: Huân chương Giải phóng hạng Ba (năm 1973); Huân chương Lao động hạng Ba (1979) và hạng Nhì (1991); Cờ thi đua của Bộ VH&TT 3 năm liền là đơn vị dẫn đầu các Công ty Ðiện ảnh toàn quốc (1990, 1991, 1992); Cờ thi đua của UBND tỉnh Bình Ðịnh về thành tích xây dựng và phát triển ngành Ðiện ảnh Bình Ðịnh năm 1968 - 1993; Bằng khen của Bộ Văn hóa 3 năm (1984, 1985, 1986); Bằng khen của Bộ VH-TT&DL tặng thành tích xuất sắc hoạt động điện ảnh tại địa phương (2016); Cờ thi đua của Bộ VH-TT&DL tặng Ðơn vị dẫn đầu phong trào thi đua (2017)…
VÕ VĂN TIỄN