Yêu thương là chia sẻ
Những câu chuyện này được chính các nhân vật, người thân nhân vật ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn ghi lại bằng hình ảnh khi tham gia chương trình “Kể chuyện qua ảnh - Photovoice”, trong khuôn khổ dự án Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp (FLOW/EOWE), do Chính phủ Hà Lan tài trợ.
FLOW/EOWE là dự án toàn cầu được thực hiện ở 2 nước Việt Nam và Kenya với mục tiêu nâng cao các cơ hội và quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua việc thúc đẩy môi trường thuận lợi cho người phụ nữ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách về giới ở các tỉnh địa bàn dự án.
Chị Thảo chủ trì một buổi thảo luận về bình đẳng giới ở xã.
Tham gia Chương trình “Kể chuyện qua ảnh - Photovoice” có 10 cặp vợ chồng thuộc nhóm nòng cốt của xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn. Họ ghi lại hoạt động thường ngày của mình, cho thấy đã có sự thay đổi trong nhận thức, hành động đối với gia đình và cộng đồng về bình đẳng giới.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Phương pháp này đặc biệt chú trọng đến tiếng nói, sự tham gia của các cặp vợ chồng và của con cái họ, tạo điều kiện cho người dân nói lên ý kiến, sự thay đổi của gia đình mình và tiếng nói của cộng đồng. Đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng truyền thông cho các hộ gia đình. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để người dân được nói lên ý kiến thông qua hình ảnh và được lắng nghe, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và lan tỏa hành động ra cộng đồng”.
1. Vợ chồng chị Trần Thị Thật và anh Đặng Minh Cường (thôn Ngọc An Đông) chung sống với nhau đã hơn 20 năm. Chị Thật chỉ ở nhà nội trợ và làm ruộng. Em Đặng Quốc Bảo, con trai lớn của anh chị, đã chụp rất nhiều bức ảnh của ba mẹ với chia sẻ: “Ôi, nhìn ba mẹ hạnh phúc quá. Lâu rồi con không được thấy nụ cười của mẹ. Mẹ luôn tỏ ra mạnh mẽ, chu toàn mọi thứ trong nhà, thậm chí cả sửa ống nước, sửa điện... mẹ đều làm hết. Ba tôi thì nghĩ phụ nữ phải lo việc nhà. Sau khi làm thợ hồ về, ba đi với bạn bè hoặc nghỉ ngơi. Từ ngày mẹ “kéo” ba tham gia các chương trình tập huấn về bình đẳng giới, tôi thấy ba thay đổi hẳn. Ba đi làm về là cùng mẹ làm mọi việc, từ gặt lúa, cắt cỏ, cho bò ăn... Vì thế, ba ít la cà cùng bạn bè, sức khỏe tốt hơn. Điều tôi hạnh phúc nhất là ba hay cười khi làm cùng mẹ. Mẹ rất vui, dù không nói ra nhưng ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Tôi vui lắm”.
Vợ chồng chị Thật - anh Cường cùng nhau làm mọi việc và anh Cường không còn phân biệt việc nhà là của vợ.
2. Còn chị Võ Thị Bài (thôn Ngọc An Trung) kể: “Quan niệm việc nhà, đồng ruộng là của phụ nữ dường như ăn sâu vào tâm trí của đàn ông quê tôi. Bản thân tôi và bao phụ nữ khác cũng nghĩ vậy nên phải lo chu tất mọi việc. Vợ chồng tôi có 4 người con, đều đã khôn lớn, có gia đình và việc làm ổn định. Được Hội LHPN xã Hoài Thanh Tây vận động tham gia các buổi đối thoại của Hội, anh đi vì nể chị Chi hội trưởng phụ nữ thôn. Dần dần, anh thay đổi cách nói năng, cử chỉ, hành động với tôi; việc nhà anh cũng không nề hà gì, lại còn bảo sao không nói, ai biết đâu mà chia với sẻ. Tôi vui lắm, quả thật mình nghĩ khác thì đàn ông họ cũng nghĩ khác”.
Vợ chồng chị Võ Thị Bài và anh Trần Bình cùng nhau lao động sản xuất.
3. Cách đây 10 năm, anh Nguyễn Văn Trẩu, một thợ điện, đã cưới chị Trần Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoài Thanh Tây. Giờ đây, anh chị đã có 2 con nhưng vẫn hay bất đồng quan điểm, vì anh nghĩ mình ít học, xuất thân gia đình khó khăn. Anh Trẩu chia sẻ: “Tôi hay mặc cảm bởi lúc nào cũng mặc bộ đồ lao động lấm la lấm lem, còn vợ đi làm quần áo chỉn chu, lại hay đi họp giờ giấc thất thường. Khi gặp gỡ bạn bè, trong lúc quá chén bọn nó hay chọc tôi “Có 2 con gái, rồi vợ lại xinh và giỏi thế thì... ông lép vế”. Tôi luôn cảm thấy bức bối, chỉ muốn vợ ở nhà, sợ vợ đi làm sẽ “hư”. Nhiều lần tranh luận không xong, vợ thuyết phục tôi đến các cuộc họp do cô ấy chủ trì. Quả thật, tôi tự hào vì thấy vợ vừa chu toàn việc gia đình vừa làm tốt công tác xã hội. Tôi đã tham gia nhóm nòng cốt tuyên truyền vận động về bình đẳng giới của dự án SNV. Gần năm qua, tôi nhận ra, chỉ có đi cùng phụ nữ mới cảm thông và sẻ chia được nỗi vất vả cũng như thành công của họ”.
Anh Châu Văn Đồng giúp vợ cùng làm việc tại HTXNN Ngọc An.
4. Vợ chồng anh chị Dương Thị Thúy Nga- Châu Văn Đồng và anh chị Huỳnh Thị Phượng - Tạ Thành Thiện (cùng ở thôn Ngọc An Tây) đều làm công nhân tại HTXNN Ngọc An. Chị Huỳnh Thị Phượng chia sẻ: “Làm cùng chỗ, nhưng các anh rất ngại hỗ trợ vợ trong công việc, vì lo người khác thấy, họ sẽ bảo sợ vợ. Khi triển khai hoạt động của dự án SNV tại HTXNN Ngọc An và Hội LHPN xã Hoài Thanh Tây, các anh dần thay đổi suy nghĩ, không e ngại nữa. Riêng tôi, từ ngày được chồng hỗ trợ trong công việc thì năng suất đạt hơn hẳn, thu nhập của vợ chồng cũng tăng theo”.
Anh Tạ Thành Thiện làm xong công việc của mình thì phụ vợ, nên gia đình họ có thu nhập cao hơn.
HẢI YẾN