Phòng bệnh viêm phổi ở người cao tuổi
Người già khi đã mắc bệnh viêm phổi thường có triệu chứng bệnh âm thầm, phức tạp nhưng diễn tiến xấu lại rất nhanh. Bệnh thường xảy ra về mùa đông, hoặc khi trời trở lạnh đột ngột.
Bác sĩ Trần Văn Trung - Trưởng khoa Nội trung cao (BVĐK tỉnh) cho biết: “Viêm phổi ở người cao tuổi có nhiều nguyên nhân, có thể do vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc do ô nhiễm không khí, khói thuốc, hoặc ít vận động do nằm lâu, nhiều trường hợp chỉ cần viêm họng sau đó cũng dễ bị viêm phổi. Về lâm sàng, viêm phổi ở người cao tuổi khác người trẻ, nhiều trường hợp sốt nhẹ hoặc không sốt, ho nhiều và khó thở tăng, đôi lúc ho ra máu, có dấu hiệu mất nước rõ. Ngoài ra, còn xuất hiện một số triệu chứng như đau đầu, ra nhiều mồ hôi, da tái nhợt, ăn không ngon miệng, mệt mỏi. Chỉ cần chụp X-quang và cấy đàm là tìm ra nguyên nhân”.
Một số tác nhân có thể gây bệnh viêm phổi.
Người cao tuổi khi đã mắc bệnh viêm phổi nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, một trong số đó là suy hô hấp. Khi đó phổi bị tổn thương nặng, giảm chức năng hô hấp dẫn đến không cung cấp đủ lượng oxy cho não… điều trị bệnh sẽ khó khăn hơn.
Để phòng bệnh viêm phổi và các biến chứng của bệnh, người cao tuổi cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột, đặc biệt là giữ ấm cổ, ngực và hai bàn chân vào mùa đông, giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nhà cửa, đồ dùng hàng ngày, khi ra ngoài nên mang khẩu trang để tránh khói bụi. Sử dụng nước sạch, bảo đảm mỗi ngày bổ sung đầy đủ từ 1,5 - 2 lít nước. Việc làm này không chỉ giúp thanh lọc cơ thể mà còn giúp đào thải những độc tố có nguy cơ gây bệnh viêm phổi.
Khi nghi ngờ người cao tuổi bị viêm phổi cần đưa ngay đến cơ sở y tế khám bệnh càng sớm càng tốt vì để lâu gây suy hô hấp cấp và tử vong, nhất là viêm phổi do virut. Việc điều trị phải do bác sĩ chỉ định, không tự ý mua thuốc điều trị nhất là kháng sinh vì không đúng liều và dễ kháng thuốc.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm TT-GDSK tỉnh)