Ðất níu chân người
Hãy thử một lần rời thành phố tìm về vùng quê An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) và những khu vực lân cận. An Thái từng là vùng sầm uất của Ðất Vua xưa, nhưng từ bấy đến giờ nơi đây luôn hiện lên mộc mạc, bình dị mà quyến rũ đến lạ lùng, có lẽ nhờ vẻ hồn hậu, chân thành.
Tôi đề nghị bạn về An Thái - Nhơn Phúc vì từ đây bạn sẽ đến được nhiều điểm đến thú vị khác rất gần. Hơn nữa về đây vào những ngày này, bạn sẽ cảm nhận được không khí nhộn nhịp của làng nghề truyền thống bún, bánh An Thái. Người xay bột, người phơi bún, tiếng cười rộn rã khắp nơi.
Phơi bún gạo bên bờ sông Côn, ở đây bạn sẽ có rất nhiều khuôn hình đẹp.
Bạn có thể theo chân người dân đẩy những chiếc xe nhỏ chở từng phênh tre trải đầy bún, bánh nhiều màu sắc xuống phơi trên bãi cát ven sông Côn, ngắm triền sông dài với những sắc màu vàng, trắng. Khi bụng cảm thấy cồn cào, bạn có thể tìm một quán ăn ở An Thái để thưởng thức món bún song thằn đặc sản nổi danh, hấp dẫn nhất là khi chế biến thành món bún xào với thịt bò, hải sản. Món ngon sẽ thêm đậm đà khi thưởng thức ngay tại vùng đất đã làm ra nó...
Thị tứ An Thái từng phồn thịnh từ thế kỷ XIX, nơi có nhiều người Hoa sống, buôn bán. Khu vực trung tâm An Thái hiện nay không rộng lớn lắm, nếu đi xe máy, bạn có thể gửi nhờ ở nhà dân, rồi túc tắc đi bộ trên những con đường làng nhỏ rợp mát bóng cây xanh, ngắm nhìn thời gian dừng lại trên những ngôi nhà mái ngói rêu phong. Nếu bắt gặp ngôi từ đường họ Lâm, bạn hãy xin chủ nhân được vào thăm ngôi nhà cổ xây dựng từ năm 1862, ngắm nhìn bên trong ngôi nhà còn khá đầy đủ các chi tiết bằng gỗ nguyên bản...
Ngũ bang hội quán là một trong những điểm tham quan ở An Thái có nhiều góc “hoài cổ” để du khách chụp hình lưu niệm.
Ở An Thái, bạn sẽ gặp khá nhiều ngôi nhà cổ có nét giao thoa văn hóa Việt - Hoa. Cảm nhận đó sẽ tăng lên, nếu bạn dành thời gian thăm các ngôi chùa đã tồn tại qua mấy thế kỷ, như: chùa Ông, chùa Bà, chùa Bà Hỏa..., và đặc biệt là công trình kiến trúc cổ Ngũ bang hội quán (xây dựng năm 1873) được người Hoa “phản Thanh phục Minh” bất thành, ly hương neo thuyền lại ở An Thái dựng nên. Ngũ bang hội quán được tôn tạo lại cách đây ít lâu nhưng vẫn giữ nguyên đường nét nguyên bản. Ở đây, bạn có khá nhiều góc máy để có những tấm hình lưu niệm.
Từ TP Quy Nhơn đi đến An Thái khoảng 40 km. Ðường đi thuận tiện nhất là từ Quy Nhơn đi theo QL 1A (không rẽ qua đường tránh) đến con đường Trần Phú trung tâm phường Bình Ðịnh (TX An Nhơn), rồi rẽ trái đi theo đường Ngô Gia Tự đến cuối đường sẽ gặp tiếp con đường chính để đi An Thái. Sản vật địa phương nổi tiếng bạn nên mua là sản phẩm bún song thằn của cơ sở Lý Thị Hương.
Về An Thái là về với làng võ. An Thái ngày xưa từng lừng danh với lễ hội Đổ giàn độc đáo mang đậm tinh thần thượng võ, mà giờ đây chỉ còn đọng lại qua câu ca về những võ sĩ giỏi tại lễ hội: “Tiếng đồn An Thái, Bình Khê. Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo”. An Thái cũng một thời vang danh với câu “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”. Dù giờ đây làng võ không còn hưng thịnh như xưa, nhưng có lẽ bạn sẽ vẫn muốn đến thăm ngôi từ đường của cố danh sư võ học Diệp Trường Phát, người sáng lập nên môn phái Bình Thái đạo nổi tiếng. Bạn còn có thể ghé thăm nhà của võ sư Lâm Ngọc Ánh, chuẩn võ sư Lâm Thị Hồng Hạnh để tìm hiểu về môn phái Bình Sơn với những bài võ cực kỳ lợi hại do chính cha của họ là cố đại võ sư Lâm Ngọc Phú truyền lại.
Trên đường từ phường Bình Định lên An Thái, bạn sẽ đi qua cầu Phụ Ngọc tới làng nghề đan tre Nhơn Khánh. Đi vào những ngày chợ phiên (ngày mùng 5, ngày 12 âm lịch hàng tháng), bạn sẽ gặp phiên chợ bán sản phẩm từ tre của làng nghề tại chợ Cây Bông (Nhơn Khánh). Cũng nằm trên tuyến đường này, nếu rẽ trái theo hướng QL 19, đi theo bảng chỉ dẫn khoảng vài cây số, bạn sẽ tới làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc. Bạn sẽ được xem người dân nơi đây ủ men, nấu rượu Bàu Đá truyền thống, hay xem họ “trình diễn” cách rót để mời bạn những ly rượu trong như mắt mèo, bọt sủi tăm mà không tràn ra ly, dậy hương nồng nàn.
Bạn cũng nên ra phía cánh đồng đầu làng, thăm miếu làng Bàu Đá - nơi người trong làng quây quần trong dịp giỗ tổ nghề vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Từ cổng làng rượu Bàu Đá, rẽ trái đi theo con đường bê tông uốn lượn giữa những cánh đồng sẽ tới làng nghề bánh tráng Trường Cửu (xã Nhơn Lộc), bạn sẽ có dịp tìm hiểu nơi sản xuất một món ăn “không thể thiếu” đối với người dân xứ Nẫu...
Bạn thấy không, có rất nhiều thứ sẽ níu chân bạn khi về thăm đất Vua đấy!
H.THU - T.DỊU