Chuyện những người “giữ lửa”
Năm qua, lĩnh vực văn hóa, di sản nhận được khá nhiều sự quan tâm, thuận lợi. Từ việc bài chòi được UNESCO vinh danh đến Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ 119 bộ cồng chiêng cho 119 làng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Ðể có được vinh dự và hỗ trợ như vậy, sức đóng góp, cống hiến của những nghệ nhân không hề nhỏ.
Nghệ nhân Lê Thị Đào ở tuổi ngoài 90 vẫn có thể tự gõ song loan hô bài chòi.
Từ nghệ thuật bài chòi
Ở nghệ thuật bài chòi, không chỉ là những “cây đa cây đề” trong nghề, nghệ nhân Lê Thị Đào (tức Minh Trạng, ở TX An Nhơn) và nghệ nhân Nguyễn Thị Đức (tức Minh Đức, ở huyện Phù Cát) còn là người “giữ lửa”, truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp.
Bắt đầu bén duyên với bài chòi lúc hơn 10 tuổi, nhờ có năng khiếu hô hát, cụ Đào theo đời “du ca” rày đây mai đó với niềm đam mê, hạnh phúc. Ông Nguyễn Thanh Hòa (63 tuổi, con trai cụ Đào) cho biết: “Dù già cả, lúc nhớ lúc quên nhưng riêng bài chòi má tôi hoàn toàn minh mẫn. Hễ có tiếng đàn, điệu nhạc ngân lên là má tôi bắt nhịp ngọt lừ, bài nào nhớ ngay bài đó, không hề lộn một mẩu”.
Như để chứng minh cho tôi tin, ông Hòa dạo đàn guitar, 2 tay vỗ vỗ, cụ Đào mỉm cười bắt nhịp hô hát khớp ngay. Sau đó, chẳng nói chẳng rằng, cụ đi lấy song loan để trình diễn cho đúng bài bản. Không chỉ có hát thôi đâu, bà cất riêng dụng cụ hô hát, không ai được động vào. Để đâu nhớ đó, không quên không nhầm.
Nghệ nhân nhân dân (NNND) Lê Thị Đào kể như một tổng kết: “Tui ít học, nhưng bài chòi tui nhớ hết. Bài chòi nếu chỉ nhớ, chỉ hô đúng câu là bình thường, bài chòi phải ở trong ruột, trong tim ra thì mới ở lại trong tim trong não người nghe”.
Cùng với cụ Đào, nhắc đến bài chòi Bình Định, nhiều người sẽ nhớ ngay đến NNND Minh Đức. Không chỉ nắm giữ nghệ thuật bài chòi cổ, bà còn dồn nhiệt tâm truyền dạy bài chòi không chỉ ở Bình Định mà cả với nhiều tỉnh, thành khác.
Trò chuyện với tôi, bà say sưa khoe học trò. Này là đứa học trò bà đã dạy qua …điện thoại đang lúc mua bán ve chai; này là đứa giờ đã thành nghệ nhân ưu tú, nhưng hễ cô trò đi diễn chung là lại muốn làm con nít để được … cưng! Để đến với ngày hôm nay, NNND Minh Đức phải vượt qua vô vàn gian nan. Nhưng bà chưa bao giờ than thở về những năm tháng ấy. Bà dành thời gian kể về học trò của mình, say sưa như kể về những đứa con bé bỏng. Niềm hạnh phúc ấy khiến gương mặt bà rạng rỡ hẳn lên, trẻ trung thêm, khiến những người tiếp xúc, ở xung quanh như thêm tin yêu vào cuộc sống.
Nhắc đến thầy mình, NNƯT Nguyễn Phú đầy vẻ tự hào, biết ơn: “Cô Đức nhuần nhuyễn nghệ thuật bài chòi điều đó ai cũng biết. Nhưng phải đi biểu diễn cùng cô mới thật cảm nhận hết cái tình thầy trò, niềm đam mê với sự nghiệp bài chòi. Chúng tôi không thể kể hết ra đây được, nhưng sự trưởng thành nhanh chóng của chúng tôi in đậm dấu ấn của cô”.
Nghệ nhân Minh Đức (áo xanh) tham gia hầu hết ở các hội bài chòi ở tỉnh.
Đến văn hóa truyền thống
Ở lĩnh vực văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, ông Đinh Chương (SN 1939, người Bana, huyện Vĩnh Thạnh) và ông Phan Chí Thành (SN 1927, người Bana, huyện Phù Cát) được xem là một trong những người tiêu biểu của núi rừng. Trường ca, sử thi vốn là loại hình văn hóa truyền thống của người Bana Kriêm, nhưng những năm gần đây có nguy cơ dần mai một. Vì không muốn văn hóa truyền thống của dân tộc mất đi, bok Chương tìm mọi cách kết nối với thanh niên để ông dạy cồng chiêng, múa xoang, diễn xướng trường ca, sử thi... Cứ thế miệt mài, rồi đội cồng chiêng thanh niên Vĩnh Sơn trở thành đội cồng chiêng tiêu biểu của huyện. Nặng lòng với văn hóa Bana Kriêm, ông Đinh Chương nhắn nhủ: “Muốn giữ gìn văn hóa bản sắc thì lớp trẻ phải hiểu, phải biết, phải yêu di sản ấy… Người Bana Kriêm ở Bình Định mà không nhớ không yêu thì ví dụ như khi cồng, chiêng hư, lấy ai chỉnh sửa. Rồi thì lấy cái gì để “trò chuyện” với giàng trời, với tổ tiên đã khuất, với núi rừng, cỏ cây hoa lá, suối sông… Nên mình phải cố, vậy thôi!”.
Biết bok Phan Chí Thành (ở xóm Trà Hương, thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm) qua đời đã lâu nhưng khi ngồi viết mấy dòng về ông vẫn thấy bồi hồi. Tôi không có duyên được biết về ông nhiều như bà con trong làng, như các anh chị đồng nghiệp. Nhưng câu chuyện về ông, trong làng ai cũng thuộc làu. Là người đầu tiên từ làng Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh) về lại Cát Lâm (Phù Cát) định cư, bok Thành vẫn một lòng đau đáu với bản sắc văn hóa Bana Kriêm. Nhờ năng khiếu và đam mê, ông có khả năng chế tác, biểu diễn tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Hơn nữa, ông là một trong số ít người Bana Kriem tại Bình Định thạo việc chỉnh chiêng. Do vậy, khi chiêng làng bị hỏng đều một tay ông lo liệu.
Hôm tôi đến nhiều người còn nhắc, lễ hội nào bok Thành cũng là người tất bật nhất. Nhiều lúc làng gặp mặt, bok Thành trình tấu những loại nhạc cụ do tự ông chế tác, nghe ưng cái tai… Dù không còn được gặp ông nữa, không còn nghe ông trình tấu nữa, nhưng điều an ủi là câu chuyện về một người Bana Kriêm dành trọn cuộc đời cho văn hóa dân tộc cũng sưởi ấm tôi rất nhiều.
THẢO KHUY