Bạn đồng hành của nhà nông
Thời gian qua, Trạm Khuyến nông Tuy Phước cùng hệ thống khuyến nông các xã, thị trấn triển khai nhiều mô hình khuyến nông, chuyển giao KHKT, kiến thức thị trường… góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, sản lượng, tăng thu nhập cho nông dân.
Mô hình “trồng rau cải xanh nội địa bằng kỹ thuật trồng rau an toàn sử dụng chế phẩm sinh học sản xuất trong nhà lưới” cho ra sản phẩm rau sạch đảm bảo yêu cầu rau sạch an toàn. Ảnh: TẤN HÙNG
Sau khi khảo sát, đánh giá sự phù hợp với nhu cầu, điều kiện đất đai, vị trí địa lý cũng như căn cứ vào ưu thế, tiềm năng, thế mạnh của từng xã, năm 2018, Trạm Khuyến nông Tuy Phước đầu tư gần 400 triệu đồng, khảo nghiệm 11 mô hình khuyến nông, như: Trồng rau sạch, nuôi bò thịt chất lượng cao, mô hình làm nấm rơm, các mô hình khảo nghiệm các giống lúa chất lượng cao, nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, đặc biệt là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp cá rô phi theo hướng an toàn sinh học thuộc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (Coastal Resources for Sustainable Development Project - CRSD) ... Các mô hình này đều mang lại kết quả tốt.
Được Trạm Khuyến nông hỗ trợ một phần chi phí và hướng dẫn kỹ thuật, chị Nguyễn Thị Miền ở thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng triển khai “trồng rau cải xanh nội địa bằng kỹ thuật trồng rau an toàn sử dụng chế phẩm sinh học sản xuất trong nhà lưới” với diện tích 500m2. Chị Miền bộc bạch:“Trồng trong nhà lưới cây phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, giảm công lao động, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rau sạch đảm bảo yêu cầu rau sạch an toàn”.
Sau 25 ngày trồng, sản phẩm rau thu được bình quân 0,8 kg/1m2, với giá bán ra hiện tại 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chị Miền thu lãi từ vườn rau trên được 1,72 triệu đồng. Điều đáng nói là vụ rau vừa qua, chị trồng xen rau cải xanh với một số loại rau khác nên tổng thu nhập lên tới 3-4 triệu đồng.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp cá rô phi CRSD triển khai với quy mô 23,5 ha/45 hộ ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng là một điển hình khác. Ông Phan Văn Chạy, người tham gia mô hình, nói: “Trước và trong khi thả nuôi, chúng tôi đều làm theo đúng các quy trình kỹ thuật mà Ban quản lý đưa ra, sau 2,5 tháng thả nuôi chúng tôi tiến hành thu hoạch, năng suất tôm bình quân đạt 4 tấn/ha, kết quả hạch toán cho thấy mỗi hồ lãi được hơn 100 triệu đồng”.
Điểm đáng mừng là từ sự thành công của các mô hình, nhiều hộ dân đã tìm cách học hỏi và áp dụng. Ngoài những mô hình trực tiếp triển khai, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm còn thực hiện một số mô hình khác như: Trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ tại TT Diêu Trì, trồng cỏ chịu ngập úng tại xã Phước Thành, nuôi vịt biển tại xã Phước Sơn, nuôi cua xanh thương phẩm tại xã Phước Thuận... cũng thành công,vừa giúp người dân cải thiện thu nhập, ổn định đời sống, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Ông Cao Văn Trung, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Trạm sẽ tiếp tục phối hợp các xã, thị trấn, các đơn vị chuyển giao KHKT khảo sát điều kiện thực tế ở cơ sở, đặc tính của từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp… để hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất, canh tác đạt kết quả tốt nhất”.
TẤN HÙNG