Trồng hoa ở Bình Lâm: Nghề phụ, thu nhập chính
Thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) là một trong số ít địa phương của tỉnh có nghề trồng hoa kiểng được công nhận làng nghề truyền thống. Dù là nghề phụ, nhưng thu nhập từ trồng hoa kiểng lại cao hơn gấp nhiều lần trồng lúa, giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu.
Người lao động ở thôn Bình Lâm chăm sóc, tạo dáng hoa cúc.
Thôn Bình Lâm có 5 xóm, 612 hộ thì hơn 300 hộ làm nghề trồng hoa kiểng, với các loại như cúc pha lê, hoa hồng, đồng tiền, mai… trung bình mỗi hộ trồng hoa thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.
Sau nhiều năm trồng hoa, hiện người dân Bình Lâm đã tích góp nhiều kinh nghiệm; áp dụng các tiến bộ KHKT trong nhân giống hoa, canh hoa nở đúng dịp Tết, nhờ đó, các loại hoa được tiêu thụ nhanh, giá cả ổn định. Không chỉ giúp người dân có thu nhập cao, nghề trồng hoa kiểng còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn tại địa phương.
Anh Đoàn Văn Hiến cho biết: Vào mùa trồng hoa chuẩn bị bán Tết, những người làm nghề uốn, tạo dáng cúc như anh luôn “chạy sô” hết vườn hoa này đến vườn hoa khác. Mỗi ngày đi làm được nhà vườn trả công 300 ngàn đồng và bao cơm 2 bữa, làm qua đêm sẽ tính thêm tiền. Làng hoa Bình Lâm hầu như cần lao động quanh năm, bởi hết mùa hoa thì chuyển qua làm vườn, làm đất chuẩn bị trồng vụ khác.
Cách đây hơn 15 năm, xóm Bình Đông (thôn Bình Lâm) vô cùng nghèo khó, hầu hết các gia đình thuộc diện hộ nghèo; cả xóm toàn nhà tranh, vách đất, phương tiện đi lại của người dân chủ yếu là xe đạp. Hiện nay, nghề trồng hoa kiểng đã giúp xóm nghèo “thay da đổi thịt”, nhiều căn nhà khang trang, to đẹp “mọc” lên.
Những ngày cuối năm, làng hoa Bình Lâm ngập tràn trong màu xanh mơn mởn của các vườn hoa cúc; hàng chục ngàn chậu cúc đang chớm nụ, hứa hẹn một mùa hoa Tết bội thu. Ông Phan Đình Muộn, 65 tuổi, phấn khởi cho biết: “Vườn hoa nhà tui có gần 800 chậu cúc pha lê. Năm nay thời tiết thuận lợi, hoa phát triển tốt, hiện chiều cao của cây đã đạt 1,2 m - 1,5 m.
Nhiều thương lái đến vườn xem và đặt mua, tui đã bán được 200 chậu cúc pha lê với giá từ 180 ngàn đồng - 320 ngàn đồng/chậu”.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng, 59 tuổi, được mệnh danh là “vua hoa” Bình Lâm, chia sẻ: “Trước đây, vườn hoa nhà tôi lúc nào cũng trồng từ 3.000 - 5.000 chậu cúc pha lê và đại đóa. Nhưng từ năm 2017, tôi chuyển sang trồng quất kiểng và hoa đồng tiền loại mini để bàn; còn cúc chỉ trồng tầm 300 - 400 chậu. Trồng hoa đồng tiền ít tốn công chăm sóc, chi phí thấp, lại có hoa bán quanh năm, thu nhập khá hơn trồng cúc”.
Ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: Năm nay, bà con ở làng nghề Bình Lâm trồng hơn 100 ngàn chậu hoa cúc pha lê, tăng 10.000 chậu so với năm 2017. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều bà con ở Bình Lâm đầu tư trồng mai kiểng với số lượng khá lớn; đây là hướng phát triển mới của làng nghề.
“Thời tiết năm nay thuận lợi, hoa phát triển khá tốt, hiện nhiều nhà vườn đã nhận tiền đặt cọc của khách hàng với giá khá cao. Điều này hứa hẹn làng hoa Bình Lâm có vụ hoa Tết 2019 được mùa, được giá”, ông Vương nhận định.
VĂN LỰC - XUÂN THỨC