Ấm áp những việc tốt, lòng nhân
Nếu ra phố, bạn bắt gặp một phụ nữ dừng lại nhặt từng vỏ lon, chai nước bên lề đường bỏ vào túi nhựa treo trên xe máy, thì đó chính là bà Hoàng Thị Lê, 63 tuổi (ở 64 Bùi Thị Xuân, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn). Thói quen nhặt ve chai gom góp bán lấy tiền giúp đỡ người nghèo được bà và mẹ mình thực hiện trong suốt 5 năm qua.
Mỗi khi bán được ve chai, hai mẹ con cụ Bảy ghi chép cẩn thận và bỏ tiền vào heo đất tiết kiệm.
Hành trình gom ve chai
Ý tưởng nhặt ve chai do cụ Nguyễn Thị Bảy, 83 tuổi, mẹ của bà Lê, nghĩ ra. Thương mẹ tuổi cao, sức khỏe không ổn định, bà Lê đồng hành với mẹ và là người gánh vác chính.Vất vả, mệt nhọc bao nhiêu, bà Lê chịu được hết nhưng lại khó vượt qua rào cản của gia đình và dị nghị xã hội. Bà Lê kể: “Nhà tôi có truyền thống ba đời làm cách mạng. Tôi từng đi học ở Bungari, anh chị em và con cháu đều học hành đỗ đạt Tiến sĩ, Thạc sĩ. Các con các cháu đều bảo đủ sức lo cho mẹ con tôi sung sướng và làm từ thiện nhưng mẹ con tôi từ chối. Tôi và mẹ muốn bằng chính khả năng của mình nuôi dưỡng mạch nguồn từ thiện”.
Hiểu việc làm của 2 mẹ con, bạn bè, người thân ủng hộ rất nhiều. Có người gọi đến nhà chở ve chai về. Có người chở thẳng tới nhà cho. Hai mẹ con bà tranh thủ nhặt nhạnh, xếp cất cẩn thận, khi có số lượng nhiều thì gọi người mua ve chai đến bán. “Hiện có quán Karaoke Milano, Trung tâm thương mại Hoàn Cầu... giúp đỡ thường xuyên. Cứ 15 giờ 30 phút mỗi ngày, tui tới chờ trước cửa quán, nhân viên gom ve chai lại đem ra cho. Gần đây, số lượng người cho ít dần nhưng số trường hợp khó khăn tìm đến mẹ con tôi ngày càng nhiều. Do đó, tôi phải chịu khó đi nhặt thêm ve chai mới có đủ 500 ngàn đồng làm từ thiện mỗi tháng”, bà Lê tâm sự.
Được biết, cuối tuần qua, có gia đình ở đường Nguyễn Thái Học làm tiệc tân gia, gọi bà tới lấy mấy trăm vỏ lon bia. Bà Lê mừng cứ như bắt được vàng, bỏ dở chén cơm để đi chở cho hết lượt vỏ lon về nhà.
Trên xe của bà Lê có rất nhiều bì ni lông to để hễ ra đường thấy chai lọ rơi vãi là nhặt bỏ vào.
Với 3 con heo đất
Bà Lê có ba con heo đất: 1 con dành để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh đăng trên chuyên mục Nhịp cầu nhân ái báo Bình Định; 1 con dành để hỗ trợ những trường hợp từ thiện khác như hỗ trợ ba em tàn tật ở phường; ủng hộ bếp ăn tình thương của Chùa Xá vệ... Con cuối cùng bà dùng làm tiền thưởng, học bổng, lì xì... cho đứa cháu ngoại học lớp 7 bị tàn tật bẩm sinh. Với bà Lê, gia đình bà không khó khăn, con gái lại là giảng viên một trường đại học, vậy mà vẫn vất vả khi có đứa cháu ngoại bệnh tật, thì những người nghèo khó rơi vào hoàn cảnh này càng vất vả, khổ cực hơn. Bà Lê tâm sự: “Từ nhỏ, tôi chăm sóc cháu ngoại nên hiểu sự vất vả, lo toan của người có con, cháu bệnh tật. Vì cùng cảnh ngộ nên tôi thường ưu tiên hỗ trợ thường xuyên cho các em học sinh bị bệnh tật để các cháu có thêm nghị lực, nguồn động viên an ủi vươn lên trong cuộc sống, chống chọi với bệnh tật”.
Ai có ve chai đóng góp, xin vui lòng đem đến cho bà Hoàng Thị Lê, địa chỉ 64 đường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn; hoặc gọi điện thoại: 0834245864
Vừa qua, cụ Bảy phải mổ sỏi thận lần hai. Bà Lê phải lo việc nhà, chăm sóc mẹ và tham gia các công việc của khu phố, như Tổ trưởng tổ tự quản, Tổ trưởng tổ 4, KV1 (phường Lê Hồng Phong), Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi và Ban hòa giải khu phố... Hai suất lương hưu của mẹ con bà Lê trừ tiền thuốc men, ủng hộ các hội đoàn thể khu phố tổ chức sinh hoạt, Quỹ Vì người nghèo phường... cũng đủ sống, không để con cái phải vướng bận. Bởi thế, dù có mưa gió, bận bịu việc nhà nhưng cứ nghe điện thoại reo là bà Lê lại khoác áo, cỡi xe đi chở ve chai về bán nuôi heo đất cho “mập” nhanh. Số tiền bán ve chai, bà Lê ghi chép rất cẩn thận. “Năm nay, hai mẹ con dự định chuẩn bị 8 suất quà Tết cho người nghèo ở khu phố nhưng lại phát sinh thêm 2 suất nên đang lo không biết số tiền có trong hai con heo đất có đủ không”, bà Lê băn khoăn.
Mỗi người chọn cho mình cách làm từ thiện riêng với cách nghĩ riêng, miễn sao tử tế, nhân văn và làm cho họ hạnh phúc. Năm mới lại đến, tôi chỉ thầm mong, cụ Bảy và bà Lê luôn khỏe mạnh tiếp tục với việc gom ve chai; để mỗi hoạt động đẹp, cử chỉ nhân ái được nhân lên và lan tỏa trong xã hội cho cuộc sống thêm tươi đẹp và ấm áp.
HẢI YẾN