Văn Phong - cuộc đổi thay từ nước
Chính thức vận hành từ tháng 4.2015, đến nay Hợp phần Khu tưới Văn Phong (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) đảm bảo được nguồn nước sản xuất cho các vùng hạ lưu vào mùa khô; điều tiết, cắt lũ vào mùa mưa, tận dụng nguồn nước vận hành nhà máy thủy điện Văn Phong công suất 6MW.
Theo chân anh cán bộ thủy nông Phạm Thảo Học (Xí nghiệp Thủy lợi V - Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định), chúng tôi về xã Bình Thuận (Tây Sơn) vào mùa gieo sạ. Nhịp sống của vùng quê nhộn nhịp, hòa với không khí lao động sản xuất trên đồng ruộng.
Kênh tưới chính Văn Phong dẫn nước về hạ lưu.
“Thay da đổi thịt” nhờ nước
Dù ngay giữa những ngày mưa gió nhưng nghe hỏi chuyện “cái lợi của Văn Phong” gương mặt ai cũng rạng rỡ. Ai cũng vui vẻ kể rằng, họ an tâm sản xuất, thu nhập tăng lên, đời sống cải thiện nhờ vào nguồn nước của kênh tưới Văn Phong.
Để chứng minh cho điều đó, ông Nguyễn Văn Khá (ở đội 1, thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận), ngưng tay, chỉ ngay chân ruộng của ông và nói: “4 năm trước chân ruộng này bỏ hoang, nhưng từ khi có nước Văn Phong, tôi sản xuất ổn định mỗi năm 2 vụ. Chưa hết, toàn bộ cánh đồng của thôn Thuận Hạnh đều chuyển từ sạ 1 vụ sang sạ 2 vụ, lúa có, hoa màu có, nhờ đủ nước tưới“.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc HTXNN Dịch vụ Bình Thuận nói chắc nịch, nhờ nguồn nước từ kênh tưới Văn Phong, người dân trong xã đã thực sự làm “cuộc cách mạng” trên ruộng đồng. Các chân ruộng chuyển từ sạ 1 vụ/năm ăn nước trời chuyển sang sạ 2 vụ; các chân ruộng cao pha cát được cải tạo để trồng đậu phụng, trồng mì. Sản xuất đảm bảo, thu nhập người dân hiển nhiên tăng lên. Rất nhiều xã viên của HTX có thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng nhờ vào đậu phụng, mì; nhiều hộ còn thu nhập lên tới 200- 300 triệu đồng. Nhiều gia đình ở Bình Thuận sau một thời gian phải xa xứ kiếm sống, nay trở về, làm giàu ngay tại quê hương.
Không chỉ xã Bình Thuận, các xã thuộc hạ lưu sông Côn, tính từ huyện Tây Sơn tới Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn… đều được hưởng lợi từ Hợp phần Khu tưới Văn Phong. Sự thay đổi tích cực đó chứng minh qua những vụ mùa bội thu, làng quê trù phú.
Lấy ví dụ ở huyện Phù Cát và riêng với mô hình trồng đậu phụng xen mì, nhờ hệ thống kênh tưới Văn Phong cấp nước, diện tích sản xuất đậu phụng ở Phù Cát liên tục tăng, từ 3.200 ha dần lên 3.500 ha rồi vọt hơn 4.200 ha. Riêng năm 2018, toàn huyện đã sản xuất tới 4.425 ha, bằng 106% kế hoạch. Trong đó, có hơn 1.000 ha trồng đậu phụng xen mì, tập trung ở các xã: Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Trinh, Cát Hanh… Ông Ngô Văn Sinh, một nông dân ở xã Cát Hiệp, cho biết: “Hàng năm gia đình tôi sản xuất 2 ha đậu phụng xen mì, ngày trước ở đây thường xuyên bị thiếu nước tưới nên phải bơm nước từ giếng khoan, tốn kém và vất vả. Từ khi có nước Văn Phong, việc sản xuất chủ động hơn hẳn, năng suất cây trồng tăng lên từ 20 - 30%, cuộc sống cũng thong thả hơn”.
Theo ông Nguyễn Văn Khá, nhờ nước tưới từ Văn Phong, người dân ở Bình Thuận (Tây Sơn) đảm bảo sản xuất, cuộc sống ấm no.
- Trong ảnh: Ông Khá đang sạ trên chân ruộng trước đây chỉ sạ 1 vụ chờ nước trời.
Phát huy hiệu quả công trình thủy lợi
Theo anh Phạm Thảo Học, 4 năm được phân công về theo dõi địa bàn xã Bình Thuận, các cán bộ thủy nông ở tổ của anh nắm rõ từng dòng chảy, các địa điểm tháo, dẫn nước đảm bảo việc tưới tiêu cho những cánh đồng ở đây. Bên cạnh công việc chuyên môn, cán bộ thủy nông địa bàn theo sát tình hình, tuyên truyền cho người dân vừa sản xuất, vừa nâng cao ý thức bảo vệ, để hệ thống kênh mương thông suốt về hạ lưu.
Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Xí nhiệp thủy lợi V, quản lý Hợp phần Khu tưới Văn Phong, cho biết, công trình chính thức vận hành vào tháng 4.2015, gồm đập dâng Văn Phong dài 542 m, hệ thống kênh tưới gần 247 km, hơn 3.350 công trình trên kênh; phục vụ tưới tiêu cho 14.800 ha đất sản xuất vùng hạ lưu các địa phương gồm Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Quy Nhơn; cắt lũ vào mùa mưa phục vụ nhà máy phát điện Văn Phong.
Hợp phần Khu tưới Văn Phong là một trong những công trình thủy lợi lớn của tỉnh với mục đích điều tiết lũ mùa mưa; đảm bảo nguồn nước tưới tiêu vào mùa khô theo thiết kế. Do đó, hàng năm Xí nghiệp đều xây dựng kế hoạch tưới tiêu, đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống kênh tưới Văn Phong.
THU DỊU