Rượu Bàu Ðá & “con ong trong tay áo”
Câu chuyện một thời “đi đòi” nhãn hiệu tập thể (NHTT) “rượu Bàu Đá” giữa người dân làng nghề nấu rượu truyền thống Bàu Đá (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) với một DN ngoại tỉnh đặt trụ sở tại xã Nhơn Lộc, mua rượu và dán nhãn Bàu Đá cho thứ rượu không xuất phát từ làng nghề, đã làm tốn không ít công sức của các cơ quan quản lý, truyền thông… Những tưởng, đòi được, giữ được sẽ là lúc người dân làng nghề biết quý trọng, giữ gìn và phát huy nó tốt nhất.
Bà Phạm Thị Hữu và chai rượu Bàu Đá “vỏ xịn rượu dỏm”.
Thế nhưng, thực tế không hoàn toàn như vậy. Tại Đại hội Hiệp hội sản xuất và kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định vừa qua, bà Phạm Thị Hữu (51 tuổi), chủ cơ sở nấu rượu Bàu Đá tại thôn Cù Lâm, ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội mang đến 1 chai rượu Bàu Đá với đầy đủ tem nhãn theo quy định NHTT mà bà mua với giá 100 ngàn đồng ở một cửa hàng kinh doanh tại TP Quy Nhơn. Mang chai rượu lên hội trường, trước sự chứng kiến của cả Đại hội, bà Hữu khui niêm phong và rót mời các thành viên trong Ban chấp hành Hiệp hội nếm thử… Từng người một như vậy và câu trả lời của những người sành nghề nấu rượu Bàu Đá khẳng định, vỏ bình Bàu Đá là hàng xịn 100%, song trong bình không có lấy một giọt nào là rượu Bàu Đá!
Câu hỏi đặt ra là, từ bao giờ, ai là người đã mang nhãn hiệu rượu Bàu Đá “bán” ra ngoài để tiếp tay cho những kẻ làm giả rượu Bàu Đá như vậy? Câu trả lời này có lẽ chỉ có những người dân làng nghề, những hội viên trong Hiệp hội sản xuất và kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định mới trả lời được. Bởi khi kết nạp vào Hiệp hội, họ được quyền sử dụng NHTT rượu Bàu Đá, được phát tem, nhãn theo quy chuẩn. Thế nhưng thay vì cùng nhau giữ gìn và phát huy hiệu quả của nhãn hiệu; cùng nhau nâng tầm nhãn hiệu rượu Bàu Đá, họ lại chọn cách kinh doanh nhiều lợi nhuận hơn bằng việc “bán” NHTT làng nghề, không tuân thủ quy trình nấu rượu truyền thống.
Ông Lê Văn Thưởng, Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ 2018 - 2023 chia sẻ, Hiệp hội cần hoạt động bài bản, chặt chẽ hơn, minh bạch trong việc điều hành, từ quản lý hội viên, gồm việc cung cấp men rượu truyền thống, nắm sản lượng rượu, đến tình hình đơn vị mua gom, kinh doanh rượu Bàu Đá; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng trong việc dẹp rượu Bàu Đá dỏm; kiên quyết loại bỏ những hội viên không tuân thủ quy trình sản xuất.
Đó là tín hiệu tích cực từ Ban chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ mới. Song, việc giữ gìn và phát huy hiệu quả NHTT “rượu Bàu Đá” không phải là nhiệm vụ riêng của Hiệp hội mà nhất thiết phải là trách nhiệm chung của người dân làng nghề, của 53 hội viên đã và đang sản xuất và sử dụng nhãn hiệu này.
QUANG BẢO