Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4: Khi cung lệch cầu
Ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 triển khai nhiều năm nay, song kết quả đạt được chưa nhiều. Ðến năm 2018, toàn tỉnh có 334 dịch vụ trực tuyến ở các mức trên, nhưng số giao dịch thực tế không nhiều, tỉ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến càng ít.
Bộ phận một cửa của UBND TP Quy Nhơn bố trí người hướng dẫn các tổ chức, người dân thực hiện TTHC trực tuyến.
Lúng túng
Năm 2018, UBND TP Quy Nhơn dẫn đầu khối huyện với 53 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong số 195 thủ tục thực hiện một cửa, một cửa liên thông. Tuy nhiên, theo ông Đặng Xuân Thoại, phụ trách cải cách thủ tục hành chính (TTHC) Văn phòng HĐND&UBND thành phố, mở ra 53 nhưng chỉ 7 TTHC có giao dịch trực tuyến với 1.315 hồ sơ, bởi rất nhiều TTHC không thể phát sinh giao dịch do vướng… hồ sơ đi kèm.
“Mục tiêu cuối cùng của CCHC là phục vụ tốt nhất người dân, DN một cách nhanh chóng, kịp thời, không gây phiền hà; còn chỉ số tăng cao mà người dân không hài lòng thì không thể nói cải cách thành công. Vì thế, cần tập trung vào những dịch vụ công mà đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân, DN”.
Giám đốc Sở Nội vụ LÂM HẢI GIANG
Đây cũng là thực trạng của nhiều đơn vị có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đơn cử như Sở Xây dựng, có 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, nhưng chỉ… 4 hồ sơ phát sinh. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo lý giải: “Cái khó nằm ở chỗ yêu cầu hồ sơ đi kèm của lĩnh vực xây dựng, có hồ sơ dày trăm trang”.
Từ kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh năm 2018 có thể thấy, lý do khiến lượng hồ sơ phát sinh giao dịch trực tuyến không nhiều là do dịch vụ ít khả thi. Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Võ Gia Nghĩa, thậm chí do chưa có thanh toán trực tuyến, nên trên thực tế dịch vụ công trực tuyến mức 4 chỉ thực hiện được với những dịch vụ không phát sinh phí, lệ phí - và số hồ sơ như thế cũng chỉ chiếm tỉ lệ dưới 10%.
Đáng chú ý, là tình trạng đầu năm đăng ký dịch vụ công trực tuyến, đến cuối năm xin rút. Lý giải kiểu đăng ký “cho có” này, lãnh đạo một đơn vị cấp sở thừa nhận, việc đăng ký thực hiện là nhằm đáp ứng tiêu chí đánh giá của Bộ TT&TT về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin. Vì vậy có những đơn vị chọn đại những TTHC đơn giản rồi đăng ký cho có, họ không tính đến nhu cầu xã hội!
Phải xuất phát từ thực tiễn
Tại Bình Định, trong danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các sở, ngành, địa phương thực hiện từ năm 2016 - 2019, có 401 dịch vụ trực tuyến thực hiện ở cấp tỉnh, 49 dịch vụ cấp huyện và 6 dịch vụ cấp xã. Tháng 7.2018, Chính phủ tiếp tục ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 với 85 dịch vụ thực hiện ở cấp tỉnh, 8 dịch vụ cấp huyện.
Ông Võ Gia Nghĩa cho biết, Sở TT&TT đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát để đẩy mạnh triển khai các dịch vụ chưa triển khai; báo cáo những thủ tục mang tính đặc thù địa phương không thực hiện được. Yêu cầu quan trọng nữa là soát xét những TTHC đã triển khai mức 3, 4, nhưng chưa phát sinh hồ sơ giao dịch trực tuyến để có biện pháp đẩy mạnh.
Ông Nguyễn Việt Khánh, chủ một DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại TP Quy Nhơn cho rằng, các cơ quan quản lý phải tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để người dân hiểu lợi ích thực hiện giao dịch TTHC trực tuyến, chứ không thể xây dựng xong rồi bỏ ngỏ, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của người dân, DN. Dịch vụ có hiệu quả hay không cần bắt đầu từ việc hiểu người dân, DN cần gì.
Hiện, một số đơn vị đã có cách làm để thu hút người sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Phó Giám đốc Sở Tài chính Đặng Thu Hương chia sẻ: “Với 17 dịch vụ triển khai ở mức 3 và 12 dịch vụ ở mức 4, điều chúng tôi quan tâm là dịch vụ phải được sử dụng. Trước khi triển khai, Sở đều tổ chức hội nghị tập huấn cho các tổ chức, DN; đồng thời, bố trí nhân viên ở bộ phận một cửa để “cầm tay chỉ việc” đăng ký dịch vụ”.
MAI HOÀNG