Trung tâm GDNN - GDTX An Nhơn: Hiệu quả đào tạo là thước đo
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên An Nhơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dạy nghề An Nhơn, là một trong những đơn vị đi đầu trong việc kiện toàn, ổn định tổ chức và hoạt động khá hiệu quả với mô hình giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Lớp học nghề nấu ăn do Trung tâm GDNN - GDTX An Nhơn phối hợp Hội LHPN thị xã tổ chức.
Ông Đỗ Thành Long, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) An Nhơn cho biết: Sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ, giáo viên của trung tâm có 53 người, trong đó có 10 giáo viên hợp đồng thỉnh giảng. Để thích ứng với mô hình mới, nhiệm vụ công tác của từng giáo viên được phân công lại rõ ràng hơn, không chồng chéo và lại có thể bổ sung cho nhau.
Năm học 2017 - 2018, Trung tâm tiến hành dạy nghề và hướng nghiệp cho hơn 175 lớp/5.000 học sinh. Các nghề được hướng nghiệp gồm: điện, điện tử, xe máy, thú y, tin học, may, thêu, nấu ăn. Thời gian qua, Trung tâm còn liên kết, mở một số nghề đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh trên địa bàn. Riêng với hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, 2 năm qua Trung tâm đã đào tạo được 1.139 học viên. Ngoài ra, trong 2 năm, Trung tâm kết hợp với Công ty CP May An Nhơn và Công ty May Tiên Hòa đào tạo nghề may công nghiệp cho 555 lao động.
Để hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao, Trung tâm phát triển liên kết với các đoàn thể, trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường trên địa bàn. Việc liên kết giúp đáp ứng chính xác nhu cầu của người học, do đó hoạt động tuyển sinh đạt nhiều kết quả tích cực. Để tăng hiệu suất đào tạo, Trung tâm còn tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, nên tỉ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt hơn 80%.
Bà Võ Thị Nhiều, ở thôn Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, cho biết, bà theo học nghề nấu ăn 3 tháng tại Trung tâm học tập cộng đồng của xã do Trung tâm GDNN - GDTX An Nhơn trực tiếp giảng dạy. Sau khi học xong, tay nghề vững vàng hơn nên việc làm và thu nhập cũng cao hơn, giúp gia đình ổn định cuộc sống.
Ông Lê Duy Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, cho biết: Ở Nhơn Hậu có nhiều nghề truyền thống nhưng số lao động đã qua đào tạo kỹ năng còn ít. Do đó, chúng tôi động viên lao động tham gia học nghề. Mấy năm gần đây nhờ phối hợp Trung tâm GDNN - GDTX An Nhơn, chúng tôi mở nhiều lớp dạy nghề may công nghiệp, sửa chữa máy nông cơ… Người học thấy hiệu quả từ việc học nên phấn khởi, một vài khóa đầu còn khó khăn nhưng càng về sau càng dễ hơn.
Bên cạnh nhiều điểm khá tích cực, hoạt động của Trung tâm cũng gặp một số khó khăn. Như việc học sinh phổ thông đăng ký học nghề nhưng sau đó nhiều em tự ý bỏ học. Cụ thể, năm học 2018 - 2019, học sinh khối lớp 8 có 2.838 học sinh đăng ký học nghề, tuy nhiên sau đó có tới 911 em tự ý bỏ học. Điều này khiến kế hoạch công tác của Trung tâm bị đảo lộn nhưng đành chịu vì không có ràng buộc nào.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn cho biết: Sau khi tổ chức sáp nhập, trong định hướng hoạt động mới, Trung tâm GDNN - GDTX có nhiều hoạt động tốt, thể hiện được sự năng động, linh hoạt; một số chương trình phối hợp đã phát huy hiệu quả tích cực. Riêng việc có nhiều học sinh bỏ học nghề, sắp tới chúng tôi sẽ triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch cụ thể để tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền đến các bậc phụ huynh và các em học sinh, giúp các em định hướng được nghề nghiệp của mình trong tương lai…
THANH MINH