Chủ động phòng, chống cháy nổ những ngày giáp Tết
Tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây tuy có giảm, song thiệt hại về tài sản vẫn rất lớn và luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiểm họa khó lường. Việc chủ động ngăn ngừa và sẵn sàng các phương án ứng phó là hết sức cần thiết nhằm đẩy lùi nguy cơ cháy nổ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Cảnh sát PCCC kiểm tra phương tiện PCCC tại một DN.
Những ngày cuối năm 2018, dù công việc sản xuất kinh doanh đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành hợp đồng cho khách nhưng Công ty TNHH chế biến gỗ xuất khẩu Tân Phước vẫn dành thời gian để diễn tập phương án chữa cháy cho công nhân. Dù hơn 20 năm chưa để xảy ra vụ việc đáng tiếc nào nhưng công ty không hề chủ quan, xem an toàn cháy nổ là yếu tố sống còn của DN.
Buổi diễn tập được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), có sự phối hợp của lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh; nhằm huy động con người, phương tiện, hiệp đồng giữa các lực lượng và trên hết là nâng cao tinh thần, ý thức tự giác, các kỹ năng xử lý tình huống cho đội ngũ công nhân lao động từ cơ sở khi có tình huống cháy nổ xảy ra.
Theo trung tá Tạ Thanh Phong, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, CA tỉnh, phụ trách Khu Công nghiệp Phú Tài - Long Mỹ, hiện trên địa bàn có hơn 100 DN, trong đó có 73 đơn vị chuyên sản xuất các mặt hàng gỗ và viên nén sinh học xuất khẩu. Những DN này ra đời sớm, từ khi KCN Phú Tài mới hình thành, vừa xây dựng, vừa sản xuất và mở rộng quy mô nên việc quy hoạch nhà xưởng, kho bãi còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng quy định an toàn về PCCC. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở giúp các DN khắc phục thiếu sót, xây dựng phương án PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”.
Thực tập phương án PCCC tại Công ty TNHH Tân Phước.
Tại Khu Công nghiệp Phú Tài, nhiều DN có vị trí liền kề nhau đã tự liên kết thành lập cụm an toàn về PCCC. Đó là các Công ty TNHH Tân Phước, Hoàng Phát, Hồng Ngọc và Nông Trại Xanh, hoạt động theo quy chế cùng hỗ trợ lẫn nhau và huy động lực lượng, phương tiện phối hợp khi có cháy nổ xảy ra. Ông Phan Văn Phước, Giám đốc Công ty Tân Phước đồng thời là Cụm trưởng cho biết: “Do đặc thù sản xuất nên hầu hết các nguyên liệu, vật liệu phục vụ sản xuất dễ gây cháy, nổ. Ngoài lực lượng tại chỗ của từng công ty, rất cần sự hỗ trợ về lực lượng, phương tiện chữa cháy của các đơn vị liền bên khi có sự cố để nhanh chóng dập tắt đám cháy, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản”.
Theo đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, CA tỉnh, hiện nay cùng với đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhiều DN đã ý thức và chấp hành các quy định về PCCC, không còn tư tưởng chủ quan, lập phương án PCCC chỉ cốt để đối phó với cơ quan chức năng. Trong năm 2018, đơn vị đã tổ chức kiểm tra định kỳ trên 400 lượt, ngoài yếu tố hạn chế khách quan thì tất cả đều quan tâm đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện PCCC, xây dựng phương án và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng chữa cháy, bố trí nhân lực phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”, hoàn thiện kỹ năng xử lý tình huống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản nếu hỏa hoạn xảy ra.
Từ nay đến Tết Nguyên đán 2019, Cảnh sát PCCC sẽ tăng cường công tác kiểm tra an toàn cháy nổ để giúp các DN khắc phục, không lơ là, chủ quan trước “giặc lửa”. DN nào cố tình chây ỳ, không khắc phục sẽ kiên quyết kiến nghị tạm dừng sản xuất kinh doanh nhằm ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ, tất cả vì cuộc sống bình yên cho mọi người, mọi nhà và an toàn cho xã hội.
DANH NHÂN