Ði mãi trên những lối mòn
Hãy hình dung, nếu bỗng dưng vì lý do nào đó, ngành Điện phục hồi lại chế độ ghi số công tơ điện ở các hộ dân, bố trí người đi thu tiền điện tại nhà… Dễ hiểu thôi, ngành Điện sẽ trở lại “ngày xưa”, phải nuôi bộ máy nhân sự khổng lồ để đến từng hộ dân ghi số, nhập liệu, tính toán, xuất hóa đơn, đi thu tiền, nộp tiền vào quỹ, đối chiếu công nợ…
Từ rất nhiều năm trước, ngành Điện đã xúc tiến việc chuyển toàn bộ các phần việc này cho công tơ điện tử, cho hệ thống máy tính và kết nối với ngân hàng để các đối tác này thu hộ tiền điện. Sau rất nhiều năm, giờ đây bạn gần như không còn thấy nhân viên đi ghi số điện nữa, người mua điện đã quen dần với việc ra ngân hàng nộp tiền điện. Rất nhiều người đã ủy nhiệm cho ngân hàng tự động khấu trừ trong tài khoản số tiền mà ngành Điện báo nộp...
Rõ ràng xuất phát việc tiên lượng chính xác nhu cầu xã hội, ngành Điện đã tự mình thay đổi trước một bước, tự nâng mình lên để phục vụ khách hàng và họ sớm nhận được điều mà bất cứ DN nào cũng muốn: Lợi nhuận - tăng trưởng & phát triển. Hơn nữa, xét về mặt cộng đồng xã hội, ngành Điện đã tạo ra một dòng dịch vụ mới, mà giờ đây không chỉ có các ngân hàng mà cả nhiều tổ chức tài chính khác, thậm chí là những DN có hệ thống cửa hàng rộng khắp cũng nhảy vào chia phần, mà điển hình là Thế giới di động, Viettel Store…
Nếu bạn đã đọc bài báo ở cùng trang này, có lẽ bạn đã kết nối với điều đang đọc và nhận thấy có rất nhiều đơn vị tự mình từ chối cơ hội phục vụ xã hội. Họ phục vụ cầm chừng, gây khó và không suy nghĩ, kiến tạo cơ hội phục vụ mới, không sáng tạo ra những giá trị phái sinh. Họ thích trượt mãi, ì ạch trên những lối mòn bất chấp xu thế thời đại.
Cách thức ứng dụng công nghệ thông tin mà hiện nay khá nhiều đơn vị đang làm, giống như cầu thủ muốn ghi bàn nhưng cứ liên tục nhắm mắt sút cầu âu. Họ không tạo đường dẫn để người dân biết sự tồn tại của dịch vụ trực tuyến, không tuyên truyền quảng bá, không quảng cáo. Dịch vụ trực tuyến họ thiết lập không có hồ sơ phát sinh, có nghĩa không có va chạm thực tế cuộc sống, thế nên sẽ không có cơ hội cập nhật, tinh chỉnh, nâng cấp. Tiếng gọi là trực tuyến (online) nhưng họ lại xây dựng khá nhiều công đoạn buộc người dùng dịch vụ phải đến giao dịch trực tiếp (offline). Thậm chí có những dịch vụ công ở hẳn mức độ 4, họ gọi là trực tuyến nhưng thật kỳ lạ là không thể kết nối thanh toán trực tuyến!
Từ chuyện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nói trên, liên tưởng đến cách thức phục vụ của ngành Điện sẽ thấy sức ì quan liêu ở ta hiện rất lớn.
TRẦN BÁ PHÙNG