Về một hình vị “hoài”
Trong tiếng Việt, có 2 từ “hoài”. Đó là: (1) “hoài” với nghĩa “uổng, phí” (như trong “sống hoài sống phí”) và (2) “hoài” với nghĩa “mãi, không thôi, không dứt” (như trong “mưa hoài mưa mãi”, “nhớ nhau hoài”).
Ngoài ra, còn có một hình vị “hoài” với nghĩa khác. Nó chưa thành từ nên không tồn tại độc lập trong tiếng Việt. Tuy nhiên, hình vị này vẫn tham gia tạo từ và được dùng khá phổ biến. Đó là hình vị “hoài” trong các từ như “hoài cảm”, “hoài cổ”, “hoài niệm”…
Hình vị “hoài” như trên vốn có nguồn gốc từ tiếng Hán. Trong tiếng Hán, chữ “hoài” (bộ tâm; liên quan đến tình cảm, tinh thần) có hai nét nghĩa chính là “nhớ, nghĩ đến” và “ôm, ôm giữ trong lòng”. Khi vào tiếng Việt, hai nét nghĩa này gần như được bảo lưu hoàn toàn. Cho nên, ta có, “hoài cảm” là “nhớ thương và xúc động”, “hoài cổ” là “nhớ về điều đã cũ”, “hoài tưởng” là “tưởng nhớ”, “hoài vọng” là “mong nhớ”, “hoài nghi” là “ôm giữ lấy mối nghi ngờ”…
Với ý nghĩa “nghĩ đến, nhớ về, ôm giữ lấy”, “hoài” thường được dùng gắn với những giá trị tinh thần. Các nhà nho nước ta ngày xưa thường dùng hình vị này để đặt tên cho những tác phẩm nói chí, tỏ lòng của mình. Chẳng hạn, cụ Phạm Ngũ Lão có bài “Thuật hoài” (tạm hiểu là “kể về điều ôm giữ trong lòng”), cụ Đặng Dung có bài “Cảm hoài” (tạm hiểu là “cảm xúc về hoài bão trong lòng”)…
“Hoài” cũng thường được dùng để đặt tên người, tên đất. Ở Bình Định, có nhiều địa danh mang yếu tố “hoài” với nghĩa trên. Chẳng hạn, địa danh “Hoài Ân” có thể hiểu là “nhớ về công ơn”. Hoặc như địa danh “Hoài Nhơn” có thể hiểu là “nghĩ về điều nhân” (“nhơn” là biến âm của “nhân” do kị húy). Đây là tên gọi ra đời trong thời phong kiến, nói lên chủ trương “nhân trị” (cai trị bằng lòng khoan nhân) của chính quyền phong kiến nước ta.
Ở huyện Hoài Nhơn, hầu hết các tên xã đều có yếu tố “Hoài” (13/17 xã, thị trấn). Trong đó, phần lớn đều mang nét nghĩa “nhớ, nghĩ về”. Chẳng hạn, “Hoài Hương” có nghĩa là “nhớ về quê hương”, “Hoài Hải” có nghĩa là “nhớ về biển” (xã Hoài Hải tiếp giáp với biển), “Hoài Đức” có thể hiểu là “nghĩ về điều đức”, “Hoài Mỹ” có thể hiểu là “nghĩ về cái đẹp”…
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Tôi là độc giả Báo Bình Định, cảm ơn thạc sĩ Phạm Tuấn Vũ đã chia sẻ những hiểu biết của mình về tiếng Việt khiến cho độc giả như tôi cảm thấy rất hữu ích và thú vị. Việc làm đó cũng góp phần giúp cho nhiều người khác hiểu rõ hơn về tiếng Việt của dân tộc mình, đồng thời cũng góp phần làm trong sáng tiếng Việt khi mà xã hội ngày nay có quá nhiều người, thậm chí là cả cơ quan truyền thông đại chúng sử dụng sai tiếng Việt. Nhân đây, xin đề xuất với anh Vũ phân tích cho việc sử dụng cụm từ : " người nông dân" " người công nhân" là đúng hay chưa đúng ? Bởi, theo tôi, chữ " dân" và chữ " nhân" đã bao hàm nghĩa con người trong đó rồi. Việc dùng chữ "người" phía trước đó là thừa. Hoặc là các từ chỉ các mùa trong năm, như: Xuân, Hạ, Thu, Đông có phải viết hoa hay không? Bởi, theo tôi nhớ hồi trước thầy cô giáo dạy: các từ chỉ về phương hướng, về các mùa trong năm đều phải viết hoa mới đúng chính tả. Không biết thời nay còn quy định như vậy hay không? Nếu còn, thì thạc sĩ hãy góp thêm tiếng nói để mọi người biết. Xin cảm ơn!