Yêu cầu cung ứng đủ tiền mặt, hệ thống ATM thông suốt trong dịp Tết
Tổ chức tốt công tác điều hòa cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là trong dịp Tết; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán, hệ thống ATM/POS hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt… đó là những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28.12.2018 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ngoài ra, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành địa phương triển khai các nhiệm vụ như: Chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ tài chính trong nước và thế giới, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường các hoạt động thanh toán phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; tổ chức các dịch vụ ngoại hối, thu đổi ngoại tệ phục vụ khách du lịch; tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu được giao.
Trong đó, các nhiệm vụ quan trọng là xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự trữ, bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa, bình ổn thị trường, giá cả, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bảo đảm chất lượng để cung ứng kịp thời, đầy đủ cho Nhân dân với giá cả hợp lý và ổn định; kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân bị thiếu ăn trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt; phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và sau Tết Nguyên đán.
Chỉ thị cũng yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng thuốc và giá thuốc, giá các dịch vụ y tế; kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở y, dược theo đúng quy định của nhà nước; Phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn tết do không có tàu, xe; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách đối với người có công với Cách mạng, người hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách khác.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán phải phù hợp với điều kiện, khả năng địa phương, với tinh thần tiết kiệm, an toàn và không được sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng quy định tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ; không tổ chức sự kiện, lễ hội xa hoa, lãng phí trước và sau Tết.
Các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, Lễ hội…
Theo THÚY HÀ (Vietnam+)