BHXH Việt Nam: Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao
Năm 2018, ngành BHXH đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, kế hoạch được giao, nhất là chỉ tiêu về thu, giảm nợ, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Trên 83,1 triệu người tham gia BHYT
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, năm 2018, ngành BHXH tiếp tục đạt những kết quả ấn tượng trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Tính đến ngày 31.12.2018, cả nước đã có trên 14,6 triệu người tham gia BHXH; trên 83,1 triệu người tham gia BHYT (đạt tỉ lệ bao phủ 88,5% dân số), vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã giải quyết 101.766 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết cho 676.605 người hưởng trợ cấp một lần; 8.025.482 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe và chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho hơn 146 triệu lượt người. Phối hợp chặt chẽ với ngành LĐTBXH giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp thất nghiệp; bàn giao 13.128.858 sổ BHXH cho NLĐ quản lý (đạt gần 100% số lao động đang tham gia BHXH); cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cho hầu hết số người tham gia BHXH.
Để đạt được kết quả đó, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT được triển khai quyết liệt, hiệu quả; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng CNTT tiếp tục có bước tiến vượt bậc; đã giảm thời gian nộp BHXH của DN từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ; giảm từ 115 TTHC xuống còn 28 thủ tục. Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT và Trung tâm Dịch vụ khách hàng tiếp tục được hoàn thiện, góp phần tư vấn, giải đáp cho người dân, NLĐ.
Thực hiện các giải pháp đột phá
Theo mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW, đến năm 2021, toàn quốc có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%.
“Như vậy, nhiệm vụ của ngành trong năm 2019 và những năm tiếp theo rất nặng nề, đòi hỏi toàn ngành phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn” - ông Đào Việt Ánh nhận định.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp và trong năm 2019 sẽ thí điểm ở một số địa phương việc cấp thẻ BHYT điện tử. Việc này giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục KCB, thời gian giám định và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT; ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT. Ngành cũng sẽ triển khai 8 dịch vụ trên nền tảng ứng dụng CNTT gồm: Chăm sóc hỗ trợ khách hàng; ứng dụng trí tuệ nhân tạo; xây dựng trang fanpage của ngành BHXH; xây dựng chuyên trang hỗ trợ người dân, tổ chức và DN; đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và DN; thanh toán điện tử; ứng dụng qua di động và qua tin nhắn thương hiệu.
Trong năm 2019, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đột phá phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Theo đó, chú trọng phân loại, phân nhóm địa phương để giao chỉ tiêu phù hợp. Đối với BHXH tự nguyện, BHXH các tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo khai thác, phát triển đối tượng tham gia, với sự tham gia của Bưu điện. Đồng thời, tổ chức rà soát, đối chiếu dữ liệu tham gia BHXH, BHYT với dữ liệu của ngành thuế để có giải pháp thu đúng, thu đủ BHXH, BHYT; tổ chức thanh tra đột xuất chuyên ngành đóng BHXH đối với ít nhất 50% số đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên; kiên quyết xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với đơn vị cố tình vi phạm theo quy định pháp luật.
Theo HÀ NGUYÊN (LĐO)