Làng nghề vào vụ Tết
Chừng hơn 1 tháng nữa là đến Tết, thời điểm này, các làng nghề truyền thống ở tỉnh đang tất bật sản xuất để có đủ hàng cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Song, so với mọi năm, năm nay thời tiết bất lợi nên người sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Cũng như mọi năm, từ đầu tháng 11 âm lịch, người dân làm nghề ở làng nghề bánh tráng Trường Cửu, làng rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) lại vào vụ Tết. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, một hộ sản xuất bánh tráng ở thôn Trường Cửu, bộc bạch: “Ngày thường vợ chồng tôi tráng bánh bằng tay được trên 600 cái bánh, cứ mỗi ràng 20 cái, vị chi mỗi ngày được 30 ràng bánh.Với giá 28.000 đồng/ràng cũng được 840 ngàn đồng. Năm ngoái vợ chồng tôi dậy sớm từ 1-2 giờ sáng để làm, còn năm nay mưa liên u liên minh không được mấy hột nắng, mất nhiều thời gian quá mà sản lượng lại thấp...”.
Sản xuất bún khô tại làng nghề bún - bánh An Thái.
So với những hộ còn tráng bánh thủ công, những cơ sở có máy móc hỗ trợ thong thả hơn. Ông Nguyễn Văn Lễ, ở thôn Kiên Ngãi (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn), chủ một cơ sở tráng bánh bằng máy, thổ lộ: “Bình thường mỗi ngày 5 lao động của gia đình tôi tráng khoảng 10.000 cái bánh tráng ngày, dịp giáp Tết sẽ làm gấp đôi để có bánh bán. Thường thì bà con làm bánh ra đến đâu bán ra tới đó nên hầu như không có gia đình nào trữ hàng tết, khả năng đến Tết giá bánh sẽ tăng hơn nữa. Rồi đây nếu tính được đường bảo quản lâu dài, đóng gói tốt có thể phải nghĩ đường tích trữ hàng để đủ cung ứng cho thị trường, đỡ lo chuyện thời tiết, giá nguyên liệu tăng giảm bất chợt”.
Các hộ làm nghề nấu rượu Bàu Đá cũng tăng năng suất để nấu rượu kịp giao cho khách hàng dịp Tết. Chị Đặng Thị Kim Cương, chủ cơ sở rượu Kim Cương ở thôn Cù Lâm, kể: “2 vợ chồng tôi dậy từ sáng sớm nấu rượu để có hàng cung ứng dịp Tết. Bình quân một ngày nấu 8 mẻ được 40 lít rượu các loại, nhưng chỉ nấu một buổi; vào vụ Tết phải nấu cả ngày, mỗi ngày nấu đến 12 mẻ, được 60 lít rượu các loại để bán. Hiện giá tại nhà như rượu gạo là 25.000 đồng/lít, rượu nếp 35.000 đồng/lít, rượu đậu xanh 75.000 đồng/lít”.
Thời điểm này, người dân làm nghề tại làng bún - bánh An Thái (xã Nhơn Phúc,TX An Nhơn) cũng chủ động sản xuất để đảm bảo nguồn hàng cung ứng. Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung, chủ cơ sở sản xuất bún gạo Trường Thọ ở thôn An Thái, chia sẻ: “Do trời mưa nên cơ sở chúng tôi chỉ chế biến 5 tạ gạo/ngày, cho ra gần 50 kg bún khô. Chờ vài hôm nữa trời nắng ráo sẽ tăng sản lượng lên, dù có máy sấy nhưng trời mưa thì bún vẫn không khô kịp đâu”.
Bên cạnh việc sản xuất theo đơn hàng, nhiều cơ sở sản xuất tại làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu chủ động sản xuất thêm nhiều sản phẩm để bán dịp Tết.
Trong khi đó, không khí lao động tại các cơ sở sản xuất tại làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ ở xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) rất nhộn nhịp. Bà Phạm Thị Như Thủy, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Thủy Thảo ở thôn Bắc Nhạn Tháp, cho biết: “Bên cạnh việc sản xuất theo đơn đặt hàng của các cơ sở tại TP Hồ Chí Minh, cơ sở chúng tôi cũng chủ động sản xuất thêm các mặt hàng bàn ghế, đồ gỗ gia dụng, đồ thờ cúng…để có sản phẩm bán trong dịp Tết”.
Không chỉ ở “đất trăm nghề” An Nhơn, các cơ sở, hộ dân tại các làng nghề truyền thống tại các huyện: Tây Sơn, Hoài Nhơn cũng đang tất bật sản xuất. Nhiều cơ sở không dám nhận thêm đơn hàng vì e ngại việc sản xuất không đảm bảo do ảnh hưởng trời mưa kéo dài. Ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng nước dừa Ba Quan ở xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn), cho hay: “Mỗi ngày cơ sở sản xuất và bán ra thị trường khoảng 1.500 cái bánh tráng; giá bán từ 40.000 - 80.000 đồng/ràng (10 cái/ràng) tùy loại. Thời điểm này, cơ sở tăng công suất lên gấp đôi mới đủ hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, do trời mưa nhiều nên chúng tôi chỉ ưu tiên sản xuất cho các đơn hàng lớn đã đặt trước đó”.
Ngoài những khó khăn về thời tiết, hiện giá nguyên liệu làm bánh tráng như gạo, than, củi, trấu…đều tăng nhưng bù lại giá bán và sức mua tăng mạnh. Ông Nguyễn Công Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, huyện Tây Sơn vui vẻ cho biết: Toàn xã có trên 50 cơ sở, hộ gia đình làm nghề tráng bánh tráng, tập trung tại thôn Kiên Long, Kiên Ngãi, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động, với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, dịp Tết thì cao hơn. Sản phẩm làm ra tiêu thụ mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên, thành ra làng nghề vui lắm”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN