Tượng thần Shiva: Một bảo vật quốc gia của Bình Ðịnh
Cuối tháng 12.2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 22 hiện vật và nhóm hiện vật trên cả nước là bảo vật quốc gia, trong số này có tượng thần Shiva (còn được gọi là tượng Phật Lồi) hiện đang lưu giữ tại chùa Linh Sơn ở thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn.
Tương truyền pho tượng kể trên được dân làng chài địa phương phát hiện và lập chùa thờ cúng từ hàng trăm năm trước. Những người phát hiện là người Việt, gần như không có kiến thức về văn hóa Champa nên họ cho đây là tượng Phật nên lập chùa thờ cúng và tượng này được người dân gọi nôm na là Phật Lồi. Tượng được dân làng mặc y phục, đội mũ rất tôn nghiêm.
Tượng Shiva đang lưu giữ tại chùa Linh Sơn ở thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn nhìn từ chính diện (ảnh trái) và mặt lưng của tượng Shiva (ảnh phải).
Theo các vị cao niên trước đây sống ở thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, nơi chùa Linh Sơn có thờ pho tượng Phật Lồi kể lại, khoảng 200 năm trước, người dân Hải Giang tình cờ phát hiện pho tượng từ dưới đất lồi lên trên ruộng canh tác dưới chân đồi (nên người dân địa phương gọi là Phật Lồi). Sau khi phát hiện được pho tượng, người dân của làng đã lập đền thờ tự. Thời gian sau đó pho tượng được đưa vào thờ tự trong một ngôi chùa tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc dãy núi Phương Mai, cách địa điểm phát hiện tượng khoảng 300 m về phía Tây. Đến năm 2015, để nhường mặt bằng cho một dự án du lịch tại Hải Giang, chùa đã được di dời đến địa điểm mới thuộc thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn.
Thông qua các đường nét tạo tác, cùng với việc dịch minh văn sau lưng của pho tượng, các nhà khoa học xác định Phật Lồi thật ra chính là một bức tượng thần Shiva của người Champa, được tạo tác dưới thời vua Sri Vrsu Vishnu Jati Veerabhadra Varmadeva khoảng vào năm 1430, 1431 tức là vào đầu thế kỷ XV.
Trong Ấn Độ giáo, Brahma, Vishnu, và Shiva đại diện cho ba khía cạnh thần thánh của Ấn Độ giáo và hợp chung thành bộ tam thần Trimurti, với Brahma là người sáng tạo, Vishnu là đấng bảo hộ và Shiva là hiện thân của sự hủy diệt. Nhưng bên ngoài Trimurti, Shiva là hiện thân của tất cả: sáng tạo và một sự khởi đầu mới cũng như bảo quản và tiêu hủy.
Tượng Shiva cao 80 cm, được chạm khắc từ chất liệu đá sa thạch, mặt sau phẳng có khắc minh văn Champa. Tượng Shiva được tạc trong tư thế ngồi thiền định, chân xếp bàn, tay phải lần tràng hạt, tay trái đặt ngửa trên hai chân xếp bàn, phần bắp tay trái và tay phải đều đeo chuỗi hạt tròn. Khuôn mặt trầm tư nhìn thẳng, cằm hơi nhọn, trán cao, mắt nhỏ, tai dài có đeo khuyên tai, miệng rộng, ria mép rất dày, râu dài vuốt nhọn, đầu đội mũ hình trụ cao, có khắc bùa gọi là “Omkar”, tượng trưng cho vũ trụ quan.
Trên trán có ba vạch ngang nằm song song tượng trưng cho ba ngôi (còn được gọi là Trimurti - Brahma, Vishnu, Shiva). Thân tượng trần, có dải vải nhỏ vắt chéo qua vai trái, bụng mang thắt lưng. Đáng chú ý, lưng tượng là một tấm bia hình ngũ giác, đỉnh nhọn, cao 60 cm, rộng 45 cm, có 12 dòng chữ Champa cổ.
Làng Hải Giang trước kia là khu vực lưu trú của người Champa. Gần mép biển và trên ngọn núi xung quanh làng Hải Giang có dấu tích của một tường thành cổ được cho là của người Champa xây dựng. Tại các khu vực như Gò Thịnh, Gò Luôn, Ụ Đầm Bé, Gò Giếng Hời... mỗi khi đào đất lên canh tác có rất nhiều gạch Champa, bình hũ sành... Những khu vực này mùa mưa thì giữ nước dẫn đến sình lầy, mùa nắng thì khô cằn không thể canh tác do lớp đất canh tác rất mỏng, phía bên dưới là lớp gạch cổ.
Thực tế quan sát, nghiên cứu cho thấy từ trước đến nay, tất cả số hiện vật điêu khắc Champa được phát hiện và khai quật tại Bình Định nói riêng và trên dải đất miền Trung nói chung, tính đến hiện tại chưa thấy một bức tượng Shiva thứ hai nào giống như bức tượng này. Điều đó cho phép chúng ta khẳng định rằng đây là một hiện vật độc bản. Tượng Shiva ở Hải Giang là tượng duy nhất mang phong cách độc đáo riêng biệt, chưa phát hiện được ở một nơi nào khác. Xuất phát từ những giá trị độc đáo, từ đầu năm 2018, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã giúp đơn vị chủ quản là chùa Linh Sơn xây dựng hồ sơ và thủ tục để công nhận bảo vật quốc gia cho tác phẩm điêu khắc Champa này và đến nay đã được công nhận chính thức là một bảo vật quốc gia.
NGUYỄN VIẾT TUẤN