Năm 2019, xóa bỏ điểm đen giao thông là ưu tiên số 1
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ xoá “điểm đen” tai nạn giao thông trên toàn quốc trong năm 2019 bởi “biết mà không xoá điểm đen tai nạn giao thông là có lỗi với người dân”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ xoá các "điểm đen" tai nạn giao thông trong năm 2019. Ảnh: VGP/Phan Trang.
2019 xoá toàn bộ “điểm đen” tai nạn giao thông
Báo cáo với Bộ trưởng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng cho biết, theo kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao 8.314 tỷ đồng. Trong đó, sửa chữa định kỳ là 5.045 tỷ đồng; bảo dưỡng thường xuyên là 1.399 tỷ đồng (đã bao gồm cả xử lý “điểm đen” TNGT); khắc phục bão lũ là 1.870 tỷ đồng.
Đến nay, hệ thống quốc lộ đã được bảo trì đúng quy định, phù hợp với kế hoạch được giao, công tác giải ngân đều đạt 100% nguồn kinh phí được cấp với hơn 21.400 km quốc lộ và đường cao tốc, 229 cầu và nhiều hạng mục khác đã được bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý 322 điểm đen.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Văn Huyện cho hay, năm 2018 là năm đầu tiên triển khai đấu thầu qua mạng đối với các dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước. Tổng cục đã triển khai đấu thầu qua mạng trên 50% số gói thầu và trên 40% tổng chi phí, vượt chỉ tiêu Bộ GTVT yêu cầu. Tổng số tiền tiết kiệm được là hơn 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Huyện cho biết, hiện toàn hệ thống quốc lộ có 10.773 km đang quá thời hạn trung tu, 5.123 km quá thời hạn đại tu nhưng thời gian vừa qua vẫn phải tiến hành sửa chữa cục bộ, sửa chữa một số đoạn hư hỏng nặng theo kế hoạch bảo trì hằng năm.
Thêm vào đó, trong tổng số 6.255 cầu trên hệ thống quốc lộ còn khoảng trên 400 cầu yếu, hẹp. Mặc dù các cầu này đều đang khai thác an toàn nhưng có một số cầu đã hư hỏng, xói lở bệ móng do các đợt mưa lũ, hư hỏng nón mố…
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, năm 2019, Tổng cục cần chỉ đạo quyết liệt các đơn vị rà soát, tập trung xóa bỏ các điểm đen TNGT bởi “biết có điểm đen mà không xoá là chúng ta có lỗi với nhân dân”.
“Việc xóa bỏ điểm đen phải được xem là ưu tiên số 1. Các Sở GTVT phải chủ động kiểm tra, phát hiện phối hợp với Tổng cục loại bỏ những điểm đen nguy hiểm. Năm 2019, chúng ta phải phấn đấu xóa bỏ tất cả các điểm đen hiện hữu”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang quản lý một khối tài sản “khổng lồ” từ đường quốc lộ, cao tốc đến hệ thống cầu nên công tác duy tu sửa chữa cần phải tập trung hơn nữa.
“Ngành giao thông gắn liền với cuộc sống người dân, người dân chỉ cần bước chân ra đường là đánh giá được chất lượng con đường ra sao, mọi việc các đồng chí làm người dân đều nhìn thấy do vậy bản thân các đồng chí phải nỗ lực vì sự phát triển không chỉ ngành giao thông mà còn của cả nền kinh tế.
Còn hơn 16.000 km đường bộ quá hạn trung, đại tu, Tổng cục Đường bộ phải tích cực đánh giá thực trạng để đề xuất, báo cáo Chính phủ bố trí kinh phí sửa chữa, để mỗi đoạn đường không trở thành “cung đường ám ảnh” với bất cứ người dân nào”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bàn giao toàn bộ các làn thu phí không dừng trước 30/3
Liên quan đến việc triển khai đồng loạt các trạm thu phí không dừng trên địa bàn toàn quốc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo minh bạch, công khai công tác thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức BOT, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai vận hành thu phí tự động không dừng (VETC) được 26 trạm với 91 làn thu phí không dừng. Đồng thời, đang vận hành kiểm thử 7 trạm thu phí không dừng với 18 làn thu phí không dừng.
Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, theo văn bản 675/TTg-KTN ngày 14.5.2015 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 4390/QĐ-BGTVT ngày 14.12.2015 của Bộ GTVT về việc phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng của Công ty TNHH thu phí tự động VETC (Công ty VETC), thì dự án có 24 trạm thu phí cần triển khai thu phí tự động không dừng. Đến nay, đã có 23/24 trạm đã triển khai thu phí tự động không dừng, riêng trạm Cai Lậy đã lắp đặt xong thiết bị nhưng đang dừng thu phí nên chưa triển khai.
Để mở rộng phạm vi áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg bổ sung thêm 18 trạm với 432 làn thu phí, nâng tổng số trạm và số làn thuộc dự án lên 44 trạm với 605 làn phí.
Về việc dán thẻ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay, có 364 điểm cung cấp dịch vụ dán thẻ đầu cuối; trong đó, có 134 điểm tại các trung tâm đăng kiểm, 24 điểm dịch vụ tại trạm thu phí, 210 đại lý và cộng tác viên lưu động. Số lượng thẻ dán được đến ngày 20.12.2018 là 680.000 thẻ.
“Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang yêu cầu các nhà đầu tư BOT bàn giao toàn bộ trạm thu phí cho Nhà cung cấp dịch vụ thu phí trước 30.3.2019 để triển khai thu phí tự động không dừng”, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin.
Theo Phan Trang (Chinhphu.vn)