Công tác thi hành án dân sự tồn đọng, kéo dài: Cần quy chế phối hợp chặt chẽ
Một trong những nút thắt trong công tác thi hành án dân sự là lượng vụ việc tồn đọng qua nhiều năm khó giải quyết. Thực trạng đó đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ cũng như sự phối hợp của các ngành liên quan.
Giảm giá 15 lần chưa bán được tài sản thi hành án
Theo Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, một trong những tồn tại, hạn chế lớn nhất trong công tác THADS là án chưa có điều kiện thi hành, án không thi hành được, án tồn đọng từ nhiều năm trước chiếm lượng lớn trong số án chuyển kỳ sau. Đặc biệt, một số vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài nhiều năm trong khi điều kiện KT-XH và các quy định của pháp luật có liên quan có nhiều thay đổi so với thời điểm giải quyết vụ việc.
Cần có cơ chế bảo vệ chấp hành viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
- Trong ảnh: Hội nghị đối thoại với công chức, người lao động năm 2019 của Cục THADS tỉnh.
Đáng chú ý, nhiều tài sản kê biên chưa bán được do nhiều nguyên nhân như thị trường bất động sản trầm lắng, người dân ngại mua tài sản thi hành án (THA) do việc giao nhận tài sản khó khăn, hoặc có tâm lý chờ giảm giá nhiều lần để mua với giá rẻ. Có nhiều vụ, giảm giá nhiều lần vẫn không có người mua, như vụ Công ty TNHH Đá Hoa Cương phải thi hành hơn 26,3 tỉ đồng, đang giảm giá lần thứ 15, vụ DNTN Quốc Tiến phải thi hành hơn 12,3 tỉ đồng, giảm giá lần thứ 10, vụ Công ty TNHH SXTM Thúy Vân phải thi hành hơn 4,3 tỉ đồng, giảm giá lần thứ 12...
Bên cạnh đó, trong nhiều vụ, tài sản thế chấp chưa đảm bảo tính pháp lý nên chấp hành viên chưa thể xử lý được, cơ quan THADS phải có văn bản kiến nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị xem xét lại bản ản theo thủ tục tái thẩm (vụ Xí nghiệp tư doanh Nam Bình phải thi hành 24,3 tỉ đồng, vụ DNTN Sơn Hải phải thi hành 39,5 tỉ đồng...). Lại có những vụ việc khi cưỡng chế, kê biên thì phát hiện tài sản trên thực tế có khác biệt so với tài sản đảm bảo trên hợp đồng thế chấp và bản án, quyết định của Tòa án. Do đó, cần có thời gian phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, như vụ Công ty TNHH XD Nhơn Khánh phải thi hành 4,8 tỉ đồng, vụ DNTN Minh Đức phải thi hành 15,7 tỉ đồng…
Cần quy chế phối hợp chặt chẽ
Theo Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Võ Thị Thanh Mai, thời gian qua, công tác phối hợp với các đơn vị có liên quan của cơ quan THADS có nơi còn chưa chặt chẽ; chưa chủ động, tích cực đề xuất tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo THADS trong chỉ đạo, lãnh đạo công tác THADS, nhất là tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Song, cũng phải kể đến nhiều nguyên nhân khách quan. Một số vụ việc phức tạp xảy ra đã lâu, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, xác minh; có vụ việc đã giải quyết qua nhiều cấp, nhiều lần, đúng pháp luật, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Ý thức chấp hành bản án, quyết định của người phải THA chưa cao, phần lớn thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc THA, thậm chí chống đối quyết liệt, nhưng việc áp dụng chế tài hành chính, hình sự chưa đủ mạnh.
Xử lý, giải quyết 11/16 vụ việc khiếu nại, tố cáo về THADS tồn đọng, kéo dài
Theo Cục THADS tỉnh, đến hết năm 2018, đã có 11/16 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đã được các cơ quan THADS trong tỉnh xử lý, giải quyết hoặc đưa ra khỏi danh sách do không còn phù hợp theo các tiêu chí. 5 vụ việc còn lại đã được xây dựng kế hoạch để phối hợp giải quyết dứt điểm trong thời gian tới. Trong đó, có 2 vụ việc thuộc thẩm quyền của Chi cục THADS huyện Phù Cát; Cục THADS tỉnh và Chi cục THADS huyện Tây Sơn, Hoài Nhơn, mỗi đơn vị có 1 vụ việc.
Bên cạnh đó, biên chế của cơ quan THADS còn chưa ít so với khối lượng công việc, nhất là trong bối cảnh lượng việc và tiền phải thi hành ngày càng tăng, việc thực hiện tinh giản biên chế gây áp lực không nhỏ cho hoạt động THADS. Đặc biệt, chưa có cơ chế bảo vệ chấp hành viên trong khi tính rủi ro nghề nghiệp ngày càng cao; một số trường hợp đương sự lợi dụng khiếu nại, tố cáo để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của chấp hành viên.
Để giảm lượng án tồn đọng, theo Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nguyễn Xuân Hồng, giải pháp quan trọng là nâng cao hơn nữa chất lượng công tác hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ, thực hiện tốt công tác ra quyết định THA, rà soát phân loại việc THA đảm bảo chính xác 100%. Tập trung hơn nữa trong công tác tổ chức THA, kiên quyết tổ chức thi hành xong các vụ, việc có điều kiện thi hành, nhất là những vụ, việc có giá trị tiền, tài sản lớn và khó khăn, phức tạp kéo dài. “Đồng thời, tích cực phối hợp với ngân hàng, các tổ chức tín dụng, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, phòng TN&MT và các cơ quan liên quan để xác minh tài sản, tài khoản của người phải THA”, ông Hồng nhấn mạnh.
Cục THADS tỉnh cũng đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai trực thuộc Bộ TN&MT sớm ban hành quy chế phối hợp trong công tác THADS nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai.
MAI LÂM