Ruộng đồng khô hạn
Chưa năm nào vụ Đông Xuân ở Bình Định lại khó khăn như năm nay. Cây lúa đang trong giai đoạn sinh trưởng quan trọng nhất thì bị hạn gắt, thiếu nước tưới. Gần một nửa diện tích lúa đang quằn quại vì khô hạn.
Một hồ chứa nước thủy lợi ở Phù Mỹ đã cạn khô từ lâu.
Hồ chứa cạn khô
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, lượng mưa trong mùa mưa năm 2012 ở tỉnh này chỉ đạt 32% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, do đó dung tích trữ tại các hồ chứa nước đạt rất thấp. Dòng chảy trên các sông, suối cũng thấp hơn trung bình nhiều năm nên hạn hán đã xảy ra ngay từ đầu vụ.
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết: “Hiện tại, tổng dung tích trữ của 162 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh chỉ có 255/572 triệu m3, đạt 45% so với thiết kế. Trong đó, lượng nước trong các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý hiện chỉ trữ được 31,7 triệu m3, đạt 27% so thiết kế. Số hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước chết là 63/162 hồ, trong đó có 37 hồ đã cạn trơ đáy”.
Các địa phương đang thiếu hụt nguồn nước tưới nghiêm trọng là huyện Phù Mỹ. Tại đây, đã có 23/44 hồ dưới mực nước chết, trong đó có 14 hồ đã kiệt nước, dung tích chứa còn lại chỉ đạt 17% so thiết kế. Huyện Phù Cát có 13/22 hồ dưới mực nước chết, có 9 hồ đã hết nước, dung tích chứa còn lại chỉ 17% so thiết kế. Một số hồ chứa có quy mô vừa do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định quản lý hiện có dung tích trữ rất thấp. Ví như hồ Hà Nhe (Vĩnh Thạnh) chỉ 0,19 triệu m3, đạt 5,1% thiết kế; hoặc hồ Hội Sơn (Phù Cát) 6,29 triệu m3, đạt 14,1% thiết kế; hồ Thuận Ninh (Tây Sơn) 6,12 triệu m3, đạt 17,3% thiết kế; hồ Suối Tre 0,53 triệu m3, đạt 10,7% thiết kế.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Bình Định), tổng diện tích gieo sạ vụ Đông Xuân 2012-2013 tại Bình Định là gần 45.500 ha, trong đó có 25.000 ha sản xuất 2 vụ/năm, 20.000 ha sản xuất 3 vụ/năm. Do thiếu nguồn nước tưới ngay từ đầu vụ nên Công ty TNHH KTCTTL tỉnh đã phải tổ chức bơm tát, tạo nguồn để cấp nước cho 6.830 ha ruộng có điều kiện làm đất, sạ giống. Đến nay, số diện tích đang “khát nước” phải được bơm tát chống hạn ở Bình Định đã tăng lên đến 15.600 ha. “Những diện tích sản xuất 3 vụ/năm đang trong giai đoạn chắc xanh, nếu thiếu nước tưới trong lúc này sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Những diện tích sản xuất 2 vụ/năm vừa làm đòng trỗ nếu bị khát nước kéo dài sẽ bị lép toàn bộ, có nguy cơ mất trắng”, tiến sĩ Trân cho biết.
Nông dân bơm tận dụng những vũng nước ở đáy hồ thủy lợi để cứu lúa.
Đối phó với nắng hạn
Tỉnh Bình Định đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 45 tỉ đồng để chống hạn. Ông Cao Văn Dũng, Phó phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở NN-PTNT Bình Định), tính toán: “Mỗi héc ta lúa được bơm tát chống hạn bằng máy bơm dầu có chi phí khoảng 8 lít dầu/ha/đợt tưới, cộng cả công vận chuyển, số tiền chi phí khoảng 200 ngàn đồng. Bơm nước cứu lúa bằng bơm điện tiêu tốn từ 50-70 kW giờ điện/ha/1 đợt bơm tưới, cũng tương đương với 200 ngàn đồng”.
Từ cuối năm 2012 đến nay, trừ vài ngày nghỉ Tết ra, lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp tỉnh liên tục xuống cơ sở nắm tình hình thực tế và chỉ đạo sản xuất, chống hạn. Các địa phương khẩn trương đắp bổ sung các đập bổi để tận dụng tối đa nguồn nước mặt. Bên cạnh đó, UBND các huyện thường xuyên đi khảo sát, tính toán, cập nhật tình hình nguồn nước để cân đối nước, trước tiên đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nước uống cho gia súc rồi mới đến phục vụ cho sản xuất. Do hạn hán gay gắt, tỉnh ta còn phải đối phó với nạn xâm nhập mặn tại các vùng ven biển, ven đầm.
VŨ ĐÌNH THUNG