Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu: Không để bất cứ hộ nào thiếu lúa giống
Chiều 4.1, trả lời phỏng vấn của PV Báo Bình Ðịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu khẳng định: UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương thống kê thiệt hại và trích ngân sách để khắc phục hậu quả mưa lũ, báo cáo Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ lại cho địa phương theo quy định. Riêng chuyện giống thì không để bất cứ hộ nào thiếu lúa giống!
Xác định việc hỗ trợ lúa cho nông dân gieo sạ lại diện tích lúa bị mưa lũ làm hư hỏng là nhiệm vụ cấp bách, các địa phương đã chủ động liên hệ và mua lúa giống từ các DN sản xuất kinh doanh lúa giống để cấp phát cho nông dân, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng.
Hỗ trợ kịp thời cho nông dân
Chiều 4.1, ông Nguyễn Tấn Hùng, ở thôn Tư Cung, xã Phước Thắng là nông dân đầu tiên ở địa phương nhận lúa giống do huyện Tuy Phước hỗ trợ để gieo sạ lại. Ông Hùng vui mừng chia sẻ: Gia đình tôi có 3 sào lúa đã bị mưa lũ làm hư hỏng, phải gieo sạ lại 2 lần, lúa giống dự trữ không còn. Nay được Nhà nước hỗ trợ hơn 13 kg lúa giống BC15, mà lại rất kịp thời, tôi mừng quá. Tôi đã nhanh tay làm xong khâu chuẩn bị để kịp xuống giống đúng thời vụ.
Xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước tiếp nhận lúa giống từ DN để hỗ trợ cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho biết: Xã đã tiếp nhận 46 tấn lúa giống BC15 từ Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed để hỗ trợ 3.000 hộ dân gieo sạ lại trên diện tích 512 ha lúa Đông Xuân 2018 - 2019. Danh sách các hộ bị thiệt hại đã xong, ngày 5.1 sẽ mời nông dân đến kho bảo quản lúa giống của xã để cấp phát. Mọi việc sẽ làm nhanh, khẩn trương để bà con kịp ngâm ủ, gieo sạ”.
Tại xã Phước Hiệp, 4,6 tấn lúa giống cũng đã được Công ty Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh miền Trung bàn giao cho chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp cho hay: Lượng lúa giống nói trên đảm bảo cho nông dân gieo sạ lại 38,3 ha lúa đã bị mưa lũ làm hư hỏng. Trong ngày 5.1, UBND xã sẽ cấp phát đủ để nông dân kịp sản xuất.
Dưới sự giám sát của ngành Nông nghiệp huyện Tuy Phước, công tác giao - nhận lúa giống giữa các DN và chính quyền địa phương diễn ra nhanh và hiệu quả. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước Phan Văn Khiêm cho hay: Huyện xác định vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là phải đảm bảo đủ số lượng giống hỗ trợ nông dân sản xuất. Đáng mừng là có 5 DN chuyên sản xuất kinh doanh lúa giống có uy tín trong nước chấp thuận cung cấp lúa giống cho địa phương đảm bảo số lượng theo yêu cầu. Ngày 4.1, có 3 DN đã vận chuyển lúa giống đến cung ứng cho 5 xã, thị trấn. Ngày 5.1, các DN sẽ hoàn thành việc cung ứng lúa giống cho 7 xã, thị trấn còn lại, với tổng lượng giống gần 310 tấn theo đúng cơ giống lúa của tỉnh. Theo quy định, huyện sẽ hỗ trợ từ 90 - 120 kg lúa giống/ha tùy thuộc vào loại giống. Chúng tôi cũng yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra, xác định cụ thể vùng phải gieo sạ lại, cơ cấu loại giống để hỗ trợ cho dân, nhưng phải thực hiện theo nguyên tắc mỗi cánh đồng chỉ được bố trí 1 loại giống để cùng một thời gian sinh trưởng, thuận tiện cho việc điều tiết nước, chăm sóc lúa, quản lý dịch hại.
Các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn đã triển khai nhiều biện pháp, đảm bảo đủ nguồn lúa giống để hỗ trợ cho nông dân. Riêng tại Phù Cát, UBND huyện đã ký hợp đồng với 7 DN sản xuất kinh doanh lúa giống trong nước để cung ứng cho địa phương nhằm hỗ trợ cho nông dân gieo sạ lại trên diện tích 1.465 ha.
Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Lượng lúa giống cần hỗ trợ cho nông dân để gieo sạ lại là hơn 197 tấn đã được các DN cung ứng cho các xã, thị trấn. UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương phấn đấu trong ngày 5.1 sẽ hỗ trợ đủ lúa giống cho nông dân gieo sạ. Ở những vùng thấp trũng, yêu cầu khi nước rút, bà con tiến hành gieo sạ lại ngay, không để ảnh hưởng đến vụ sau.
Đảm bảo lúa giống đủ lượng và chất
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Toàn tỉnh có khoảng 10.000 ha lúa mới gieo sạ đã bị mưa lũ làm mất giống. Lượng giống cần phải mua để hỗ trợ cho người dân là 1.200 tấn. Hầu hết các địa phương đều đã chủ động được nguồn lúa giống để hỗ trợ cho nông dân. Sở NN&PTNT đã sớm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cung ứng lúa giống, giá giống mà các DN cung ứng cho địa phương, đảm bảo lúa giống hỗ trợ cho nông dân phải nằm trong cơ cấu giống lúa của tỉnh, đặc biệt không phải vì gấp gáp mà bỏ lơ khâu chất lượng, giống hỗ trợ cho dân phải đảm bảo chất lượng cao. Đối với những diện tích lúa không bị thiệt hại hoặc thiệt hại không đáng kể, hướng dẫn cho nông dân chăm sóc để cây trồng phát triển tốt.
“Riêng chuyện giống thì không để bất cứ hộ nào thiếu lúa giống! Tất cả phải phối hợp thực hiện khẩn trương và chính xác, không được biện bạch hậu quả mưa lũ nặng nề mà để dân phải chờ đợi!”
Phó Chủ tịch Ubnd tỉnh TRẦN CHÂU
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về công tác kiểm tra, đánh giá và hỗ trợ cho nông dân về số lượng, chủng loại và chất lượng giống. Địa phương nào không liên hệ được các DN cung ứng lúa giống, thì Sở NN&PTNT phải chịu trách nhiệm hỗ trợ các địa phương ấy; nhất quyết không để bất cứ nông hộ nào phải sử dụng thóc thịt để canh tác! Các địa phương nhanh chóng khắc phục hệ thống kênh mương thủy lợi bị hư hỏng, chỉ đạo nông dân nước rút đến đâu, tiến hành cải tạo ruộng đồng để xuống giống và hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Sở NN&PTNT giám sát tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo. Riêng chuyện giống thì không để bất cứ hộ nào thiếu lúa giống! Tất cả phải phối hợp thực hiện khẩn trương và chính xác, không được biện bạch hậu quả mưa lũ nặng nề mà để dân phải chờ đợi!
PHẠM TIẾN SỸ