Thị trường hàng hóa dịp Tết: Hàng “handmade” hút khách
Bên cạnh các dòng sản phẩm sản xuất công nghiệp, phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường hàng Tết luôn có một chỗ riêng cho dòng sản phẩm handmade, chiếm số lượng là thực phẩm như bánh, mứt, dưa kiệu, nem chả… Ðiểm đáng chú ý là năm nay, lượng khách trở lại với sản phẩm handmade, đặc biệt là các loại bánh, mứt tăng đột biến.
Hút khách
Đến hẹn lại lên, chị Nguyễn Xuân Ánh (TP Quy Nhơn) gom đơn hàng và chuẩn bị nguyên liệu làm hàng Tết theo yêu cầu của khách. Năm nay, chị Ánh nhận làm mứt dừa non, mứt mãng cầu, chả thủ, tôm chua ăn liền. Với kinh nghiệm nhiều năm, chị Ánh cho biết, để có sản phẩm ngon, chất lượng cao, đáp ứng sự tin cậy của khách hàng, khâu chuẩn bị nguyên liệu cực kỳ quan trọng. Dù phải qua giữa tháng Chạp mới bắt tay thực hiện nhưng từ trước đó cả tháng, chị đã chốt đơn hàng và chuẩn bị kỹ lưỡng, đặt hàng các loại nguyên liệu.
Để tiện cho khách, tạo độ tin cậy, chị Ánh lập riêng fanpage cung cấp thực phẩm Tết handmade với hình ảnh sản phẩm do chị làm
“Khách chọn thực phẩm handmade là muốn thưởng thức món ngon, hợp vệ sinh, không chất bảo quản. Do đó, bên cạnh việc chọn nguyên liệu, tính toán thời gian thực hiện, khâu bảo quản là điều quan trọng để có sản phẩm tốt. Để tiện cho khách đặt hàng, tôi lập fanpage, tạo các album về sản phẩm với đầy đủ thông tin về nguyên liệu, cách chế biến, đóng gói, giá bán, số điện thoại đặt hàng. Thời buổi bây giờ phải làm sao để khách hàng có nhiều kênh tiếp cận với mình mới tốt”, chị Ánh nói.
Theo bà Thái Thị Hoa (51 tuổi) ở thôn Định Thiện Đông, xã Phước Quang (Tuy Phước), chuyên làm các loại bánh, mứt Tết truyền thống như mứt gừng, mứt hoa quả, bánh in, bánh thuẫn, bánh tét…, thực phẩm dành cho ngày Tết hấp dẫn khách hàng bởi hương vị truyền thống. Do đó, bên cạnh chọn nguyên liệu đảm bảo để làm ra sản phẩm chất lượng, khâu chế biến, tạo hình rất quan trọng.
Bà Hoa cho hay, sản phẩm loại này phải thực sự được làm hoàn toàn thủ công, chọn lựa kỹ càng từ nguyên liệu cho tới khâu chế biến thành phẩm. Việc tính toán thời gian chế biến rất quan trọng. Chẳng hạn, các loại bánh in, bánh thuẫn thì nên làm vào thời điểm cận Tết (25 - 29 tháng Chạp) để khi dùng trong những ngày Tết bánh vẫn giữ được độ mềm, xốp và thơm; các loạt mứt thì làm sớm hơn, bảo quản trong những gói, hộp nhỏ có thể sử dụng trong thời gian dài.
Mùa kinh doanh thực phẩm handmade
Theo chị Lê Thị Ngọc Hiền (đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn), công việc cuối năm bận rộn, thay vì dành thời gian đi chợ, chế biến món ăn, chị Hiền thường đặt trước một số món ăn truyền thống dịp Tết như bánh tét, bánh in, mứt và dưa kiệu. “Đặt chỗ người quen làm dù giá cao hơn, song đảm bảo chất lượng, chế biến đúng hương vị, nên mọi người trong gia đình tôi rất yên tâm khi sử dụng. 3 năm nay, vợ chồng tôi đều lên thực đơn các món cần có trong dịp Tết cổ truyền, sau đó đặt ở những chỗ làm uy tín, chờ đến gần Tết mới lấy”, chị Hiền nói.
Chế biến chả ram tôm đất theo đơn đặt hàng của khách của gia đình chị Thềm.
Ngày càng có nhiều người “chuộng” thực phẩm Tết handmade vì tin vào chất lượng và vì sản phẩm đậm đà hương vị truyền thống. Theo chị Nguyễn Thềm, chủ một cơ sở làm chả ram, chả cá sạch ở Quy Nhơn, nhu cầu tìm mua thực phẩm sạch, chất lượng dùng trong dịp Tết ngày càng tăng. Còn hơn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng chị đã ngưng nhận đơn mới, chỉ tập trung làm cho khách đã đặt trước.
Theo chia sẻ của những người kinh doanh thực phẩm Tết handmade, khách hàng khi chọn mua các sản phẩm handmade nên chọn nơi uy tín, tìm hiểu thông tin về sản phẩm, nguyên liệu. Không nên mua qua mạng nếu chưa tìm hiểu kỹ thông tin, hoặc có dấu hiệu nghi ngờ về giá.
THU DỊU