Quy hoạch Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa: Hạt nhân thúc đẩy phát triển KT-XH miền Trung - Tây Nguyên
(BĐ) - Ngày 5.1, Sở KH&CN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các cơ quan liên quan của tỉnh để hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa.
Đại diện tổ biên soạn dự thảo Đề án, TS Dương Đình Giám - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) trình bày dự thảo đề án tại Hội thảo.
Đề án do Sở KH&CN phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng thực hiện cuối năm 2018, nhằm xác định luận cứ khoa học và thực tiễn trong mối tương quan Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và quốc gia đối với việc hình thành, phát triển khu đô thị; mô hình hoạt động; hệ thống cơ chế, chính sách…
Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa được quy hoạch 242 ha, tại phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) với định hướng trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh và miền Trung - Tây Nguyên; nhân tố tích cực trong chuỗi hình thành giá trị gia tăng, thúc đẩy hình thành, phát triển các liên kết về vốn, công nghệ, con người của các khu kinh tế, khu công nghệ cao ở các tỉnh Duyên hải miền Trung và liên kết với các khu công nghệ cao quốc gia trong chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo, công nghệ cao.
Với hoạt động khu đô thị đa chức năng đầu tiên, Khu đô thị thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển KH&CN; gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Thúc đẩy đổi mới, ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN công nghệ thông tin, phát triển thị trường khoa học và giáo dục.
Khu đô thị dự kiến có các phân khu chức năng chính: Nhóm hoạt động phi lợi nhuận (khu nghiên cứu và phổ biến kiến thức khoa học, Trường kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp, làng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo); Nhóm hoạt động có lợi nhuận (khu công viên phần mềm; khu công viên và kinh doanh dịch vụ). Đi đôi với đó là cơ chế, chính sách ưu đãi chung, từng nhóm hoạt động có lợi nhuận, phi lợi nhuận, cơ chế đặc thù cho các tổ chức nghiên cứu.
MAI HOÀNG