Tạo thêm việc làm cho nhiều phụ nữ
Đến thôn Vân Hội 1, thị trấn Diêu Trì, ai cũng dễ dàng nhận ra cơ sở đan mây của chị Nguyễn Thị Tố Anh, bởi chỉ nhìn qua đã thấy toàn mây là mây từ trước nhà cho đến bên trong.
Chị Anh và người lao động đang thực hiện các công đoạn đan mây nhựa.
Chị Anh bắt đầu với nghề đan mây tại Công ty CP kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt tại khu công nghiệp Phú Tài vào năm 1996. Vì điều kiện gia đình khó khăn, chị Anh không thể tiếp tục làm việc tại công ty mà nhận hàng về gia công tại nhà. Thế rồi, chị bắt đầu đầu tư và thành lập cơ sở đan mây riêng. Đơn hàng đầu tiên được thuận buồm xuôi gió là động lực thúc đẩy chị Anh bước tiếp trên con đường lập nghiệp đã chọn.
Để mở rộng sản xuất, chị đã vay vốn ngân hàng mua sắm thêm máy móc, chi trả tiền công, tiền lương cho công nhân. Không chỉ nhận các đơn hàng từ Công ty CP kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, chị Anh còn nhận hàng từ nhiều công ty khác. Bạn bè, người quen nhận nguyên liệu từ cơ sở của chị Anh về gia công cũng nhiều hơn.
Quản lý một cơ sở bắt đầu đi lên từ con số không có rất nhiều khó khăn. Vậy nên, dù đêm hôm hay sáng sớm, chị Anh luôn cố gắng chuyên tâm với nghề. Khi mùa vụ đồng án kết thúc, chị em trong thôn quy tụ tại cơ sở đan mây của chị Anh để làm thời vụ khá đông. Chị vừa quản lý, vừa là người thầy truyền nghề cho chị em. “Thu nhập hàng tháng của chị em cũng khá. Trung bình mỗi người có thu nhập hơn 100 ngàn đồng/người/ngày, có chị đan giỏi được 200 - 300 ngàn đồng/ngày“, chị Anh kể. Tại cơ sở của chị còn có 4 thợ làm công nhật với mức thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Chị Phượng, một phụ nữ đang làm đan mây tại cơ sở, cho biết: Tôi đang mang thai, làm nghề đan mây ở đây nhẹ nhàng và có thời gian chăm sóc thai nhi nhiều hơn, thu nhập cũng tương đối khá”.
Theo chị Anh, bình quân mỗi tháng cơ sở của chị nhận về từ 4 - 6 chuyến hàng; sau khi trừ chi phí, tiền lương và tiền công thợ, lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng.
LYLY